1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát triển KCN nóng vội làm bần cùng hóa nông dân

(Dân trí) - Việc phát triển nóng vội các khu công nghiệp tại các địa phương trong khi chưa hội tụ đủ các yếu tố về nhân lực, vật lực, chưa có hướng giải quyết triệt để bài toán về lối ra cho nông dân bị thu hồi đất, đã làm bần cùng hóa nông dân…

Phát triển KCN nóng vội làm bần cùng hóa nông dân - 1
Cần bảo đảm việc làm cho người nông dân mất đất
 
Do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tại một số địa phương, việc giải quyết việc làm cho người dân nông thôn gặp nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc thu hồi đất làm cho diện tích canh tác đất bị thu hẹp. Do vậy, tỷ lệ thời gian lao động trong nông nghiệp đạt ở mức thấp (đạt khoảng 65%).

Tại hội thảo quốc tế “tác động xã hội vùng của các KCN ở các nước Đông Nam Á và Việt Nam” diễn ra ngày 27/6 tại Hà Nội do Viện kinh tế và Chính trị thế giới (Việt Nam) và Đại học Tokai (Nhật Bản) tổ chức, ông Phan Tuấn Giang (Bộ KH-ĐT) cho biết: Tình hình đó đã làm xuất hiện một động thái khác - sự di dịch nguồn lao động tự phát từ các vùng nông thôn đổ về các đô thị tìm kế mưu sinh.

Những dòng lao động dịch chuyển đó đã “kéo” lực lượng lao động trẻ khỏe và có kiến thức ra khỏi địa bàn nông thôn làm xuất hiện tình trạng lao động nông nghiệp tại nhiều địa phương chỉ còn lại chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi, ảnh hưởng không nhỏ tới sự tăng tốc và tính bền vững của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Ngoài ra, việc phát triển nóng vội các KCN tại các địa phương trong khi chưa hội tụ đủ các yếu tố về nhân lực, vật lực, chưa có hướng giải quyết triệt để bài toán về lối ra cho nông dân bị thu hồi đất, đã làm bần cùng hóa nông dân.  

Tại nhiều nơi, sau khi sử dụng hết khoản tiền đền bù, nhiều nông dân đã không còn biết làm gì để sống và mắc vào các tệ nạn xã hội gây bất ổn cho đời sống xã hội vùng nông thôn…

Chính điều đó cho thấy, việc đẩy mạnh phát triển các KCN ở các địa phương không chỉ là quan tâm đến phát triển công nghiệp, kinh tế mà còn cả giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Một trong số ít những KCN làm tốt được nhiệm vụ này phải kể đến là KCN Hòa Xá. Đây là KCN đầu tiên của tỉnh Nam Định nằm trên địa bàn hai xã Mỹ Xá và Lộc Hòa với diện tích 286 ha.

Ông Nguyễn Xuân Tuyển, trưởng ban Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định cho biết: Công tác bồi thường tại đây đảm bảo đúng pháp luật. Người dân được nhận tiền bồi thường theo đơn giá cao nhất trong khung giá của tỉnh, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ ổn định đời sống, được bố trí đất dịch vụ, được ưu tiên đào tạo nghề, được ưu tiên hợp đồng làm việc trong các doanh nghiệp KCN ngay tại địa phương…

Nhằm thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, triển khai công nghệ mới, tỉnh Nam Định đã có chủ trương các doanh nghiệp KCN cứ nhận một lao động đã qua đào tạo vào làm việc (từ 12 tháng trở lên) sẽ được tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng. Chính việc này đã cổ vũ mạnh mẽ cho việc tuyển dụng lao động tại địa phương.

Bằng chứng là ở KCN Hòa Xá có hơn 1.200 hộ thuộc diện thu hồi đất, trong đó bình quân một hộ có 1,3 lao động nông nghiệp phải thôi làm nông nghiệp. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 1.600 lao động phải đào tạo nghề mới.

Kết quả là sau khi hình thành KCN Hòa Xá, đến nay số lao động địa phương đang làm việc trong các KCN là gần 1.000 người, bằng 61% số lao động phải chuyển đổi nghề, một tỷ lệ khá cao.

Một vấn đề đi cùng với việc tạo việc làm là bố trí khu tái định cư hợp lý. Việc xây dựng khu nghĩa trang mới, làm nơi “tái định cư cho người quá cố” cũng được tỉnh triển khai đồng thời…  Điều này đã minh chứng cho cuộc sống “ly nông không ly hương” của người dân là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với thực tế.

Theo thống kê, hiện trên cả nước có 219 KCN với khoảng 1,2 triệu lao động đang làm việc tại đó. Nếu so với nhu cầu thực tế thì, số lao động ấy vẫn còn khiêm tốn, đấy là chưa nói đến chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Bởi vậy, theo ý kiến của giới chuyên môn, cùng với quy hoạch KCN, khu tái định cư… cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo, giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất, giúp người dân ly nông không ly hương. Đây cũng là mục tiêu để phát triển bền vững các vùng nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Lan Hương