Phạt “nạn nhân” (?!)
Trong lúc lực lượng chức năng chưa triệt phá hết các cơ sở sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm rởm, thì việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm khiến dư luận băn khoăn, hoài nghi! Phạt người đội mũ bảo hiểm rởm là phạt “nạn nhân”?!
Người dân rất khó phân biệt đâu là mũ bảo hiểm thật - rởm. (Ảnh: Đức Minh)
Bắt đầu từ 1/7, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội mũ bảo hiểm, đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm (mũ bảo hiểm rởm - ĐD) sẽ bị xử phạt.
Việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm là một chủ trương đúng và đã được triển khai từ nhiều năm nay góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Đồng hành với chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm là chủ trương truy quét tận gốc việc sản xuất, buôn bán mũ bảo hiểm rởm. Nhưng rồi sau những lần ra quân truy quét rầm rộ, mũ bảo hiểm rởm tiếp tục bày bán công khai ở nhiều địa phương.
Đầu năm 2013, Liên bộ Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông Vận tải soạn thảo Thông tư liên bộ với quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm. Tuy nhiên, trước sự phản ứng của dư luận, Thông tư liên bộ đã phải gác lại. Cũng trong năm 2013, nhiều địa phương thực hiện “thí điểm” đổi mũ bảo hiểm rởm lấy mũ bảo hiểm thật. Nhưng việc “thí điểm” thực hiện chưa được bao lâu thì lặng lẽ rút lui!
Việc xác định mũ bảo hiểm thật - rởm không chỉ khó với người dân, mà còn khó cả với cơ quan chức năng. Một năm trước, khi góp ý về Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải bộc bạch: “Trách nhiệm về hàng rởm là thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nên không thể phạt người dân đội mũ bảo hiểm rởm được. Người dân không thể phân biệt được mũ bảo hiểm kém chất lượng hay thế này thế kia”.
Đặt ra quy định xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm không khó, cái khó là phải phù hợp với thực tiễn, lòng dân và không lãng phí nguồn lực xã hội. Khi thực hiện quy định mới lạ này, người dân sẽ bị phiền hà, ngành Công an phải thêm lực lượng, thêm thiết bị để xác định đâu là mũ bảo hiểm thật - rởm...
Để nói không với mũ bảo hiểm rởm, cần các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc kiên trì tuyên truyền, thuyết phục để người dân nhận thức đầy đủ về tác hại của mũ bảo hiểm rởm. Khi thị trường mũ bảo hiểm thật - rởm còn lẫn lộn thì người đội mũ bảo hiểm rởm có thể coi như nạn nhân...
Cũng như hàng nghìn thị trường khác, thị trường mũ bảo hiểm minh bạch và không có hàng rởm, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Người dân sẽ mãi là nạn nhân khi cơ quan quản lý nhà nước về thị trường không làm hết trách nhiệm./.
Theo Đăng Dương
Báo Đảng Cộng sản