1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phát huy vai trò người dân - yếu tố quan trọng nhất giảm thiểu thiệt hại thiên tai

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, từ kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là phát huy tốt vai trò và sự tham gia của người dân, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.

Ngày 13/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu tại Hội nghị về quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và tăng cường khả năng chống chịu trong nông nghiệp với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khi có thiên tai, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng con người.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Khi có thiên tai, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng con người".

Hội nghị diễn ra đúng ngày 13/10 - Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai hằng năm. Chủ đề được lựa chọn của năm nay là “Nhà nhà an toàn: Giảm rủi ro và giảm sơ tán khi có thiên tai”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ ấn tượng với chủ đề mà Ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai hướng đến. Đây là những chủ đề hết sức thiết thực ở quy mô toàn cầu, nhưng đồng thời cũng rất sát với thực tiễn công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, khi thiên tai xảy ra, ưu tiên hàng đầu là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người dân, tiếp đó là các yêu cầu về bảo vệ tài sản, công trình. Đây là vấn đề được Việt Nam đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm giúp đỡ người dân chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục kịp thời trước tác động bất lợi của thiên tai.

Quang cảnh Hội nghị...
Quang cảnh Hội nghị...

Trong thời gian qua, Việt Nam đã từng bước ứng phó có hiệu quả trước các tác động của thiên tai và BĐKH thông qua nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai, tăng cường đầu tư các công trình phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân. Những chương trình hỗ trợ nhà tránh bão lũ miền Trung, nhà ở ngập lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long; phát triển cơ sở hạ tầng – đặc biệt là hạ tầng giao thông, chuyển đổi mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH… đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ người dân chống chịu với thiên tai.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã tham gia sâu, rộng, có hiệu quả vào nhiều hoạt động, diễn đàn quốc tế và khu vực trong phòng, chống thiên tai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, từ kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, yếu tố quan trọng nhất để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là phát huy tốt vai trò và sự tham gia của người dân, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

“Tuy nhiên, để thích ứng hiệu quả với thiên tai, phải kết hợp đồng thời nhiều giải pháp, trong đó tính tới các giải pháp khoa học, lâu dài như công tác quy hoạch, phân bố dân cư, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với tác động của BĐKH, đầu tư phát triển hạ tầng…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nêu những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài mà Việt Nam ưu tiên triển khai thực hiện trên cơ sở chia sẻ và vận dụng nhiều kinh nghiệm của quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có đặc điểm tương đồng.

Trước hết, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai. Cùng với đó, phải rà soát, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản xuất, phân bố dân cư… làm cơ sở để các ngành, địa phương cụ thể hóa việc tổ chức thực thi.

Việt Nam cũng sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư, nâng cao ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý các cấp và sự chủ động ứng phó của người dân.

Một nhiệm vụ quan trọng cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đó là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực tìm kiếm, cứu nạn; kịp thời hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Cùng với đó, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo, nâng cao nhận thức, xây dựng các kế hoạch cụ thể tại cộng đồng để ứng phó với thiên tai; khuyến khích sự tham gia và huy động nguồn lực của doanh nghiệp và cộng đồng, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước trong hoạt động phòng và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

“Đặc biệt, sự hợp tác giữa các vùng, các khu vực, các quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới và các tổ chức, cơ quan của LHQ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực cho ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai”, Phó Thủ tướng nói.

Nhân Ngày Quốc tế về giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước nghèo đang chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, trong đó ưu tiên hỗ trợ việc nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, đánh giá rủi ro thiên tai cũng như năng lực thể chế về quản lý-điều hành phòng chống thiên tai.

Ngay tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng tất cả các đại biểu tham dự đã quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ.

Nguyễn Dương