Phát hiện thêm một “xã ung thư” ở Phú Thọ
Chỉ trong 3 năm, xã Giáp Lai (Thanh Sơn, Phú Thọ) có tới gần 20 người chết vì bệnh ung thư, 30 trẻ tàn tật bẩm sinh. Trong khi người dân hoang mang, lo sợ vì số người mắc bệnh hô hấp ngày càng tăng thì nhiều nghiên cứu lại chưa đưa ra được kết luận rõ ràng.
Người dân sống lâu năm ở Giáp Lai kể: Khoảng năm 1972 xuất hiện nhiều đoàn chuyên gia của Liên Xô, Việt Nam về xã khảo sát, thăm dò xác định vị trí, trữ lượng mỏ quặng.
Cuối năm 1974, công ty khai thác quặng Pyrit bắt đầu tiến hành các hoạt động khai khoáng. Quặng Pyrit lấy lên từ lòng đất được tập kết về bãi tuyển chọn rồi chứa trong hai nhà kho lớn sau đó vận chuyển về nhà máy hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ).
Kể từ đó, Giáp Lai bắt đầu xuất hiện những hiện tượng lạ rất khó giải thích. Ven đường xe chở quặng chạy qua, quanh khu vực kho chứa, bãi tuyển quặng, cây cỏ cứ lụi dần, trơ lại nền đất đỏ. Sau mỗi trận mưa, nước từ bãi quặng chảy xuống, cá chết nổi trắng ao.
Năm 1999, trữ lượng quặng Pyrit ở Giáp Lai cơ bản được khai thác hết. Công ty Pyrit giải tán, chuyển phương tiện máy móc kỹ thuật đi nơi khác rồi sáp nhập với Xí nghiệp Apatit Lào Cai.
Khi chúng tôi đến hiện trạng khu khai thác quặng thì nhận thấy, chỉ có kho vận chuyển trung gian Pyrit là được một số công ty khai thác cao lanh tận dụng lại; còn hầu hết đang trong tình trạng hoang hóa.
Cho đến nay, quanh khu vực khai thác, lưu trữ quặng Pyrit trước đây, cây cối vẫn không mọc được. Trời mưa, dòng chảy từ những nơi còn có quặng rơi rớt lại đỏ như gạch cua, bốc mùi nồng nặc. Nhiều ao hồ vẫn chưa nuôi được cá.
Ông Nguyễn Đức Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Giáp Lai cho biết: “Dân cư thuộc 8 khu hành chính sinh sống xung quanh khu khai thác quặng. Diện tích bị ảnh hưởng của mỏ khai thác lên tới 88,04ha. Tôi và gia đình sống ở đây đã nhiều năm và đã chứng kiến hiện tượng cây trồng, cá trong ao chết khi quặng rơi vãi xuống.
Từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn xã đã có 18 người bị ung thư, 15 người đã chết. Hầu hết số người tử vong vì ung thư gan, ung thư vòm họng; 30 trẻ bị tàn tật bẩm sinh.
Năm vừa qua, đã có 3.954 lượt người đến khám tại trạm y tế xã. Trong đó, 1.036 người có biểu hiện bệnh hô hấp. Nhân dân trong xã rất lo lắng. Sở Tài nguyên - Môi trường, công ty nước sạch đã đến xã lấy mẫu nước, đất đi phân tích, xét nghiệm nhưng vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng”.
Trên đường ra khu tuyển quặng Pyrit, ông Hiên chỉ cho chúng tôi thấy những thửa ruộng hai bên đường đều có màu nước gỉ sét, cây lúa không thể lên được. Sau 7 năm ngừng khai thác, bãi tuyển quặng vẫn còn là bãi đất hoang.
Bác sỹ Nguyễn Đình Nhất, Trưởng trạm y tế xã Giáp Lai cho biết: “Năm vừa qua, tỷ lệ người tử vong do ung thư của Giáp Lai chiếm 29,12% số người tử vong chung của toàn xã. Số lượng người mắc bệnh tăng nhanh trong mấy năm trở lại đây là vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc”.
Những căn bệnh quái ác ở Giáp Lai có phải hậu họa của quặng Pyrit gây ra? Nguồn nước nơi đây bị nhiễm độc có gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người hay không? Đang là câu hỏi cần được các cơ quan chuyên môn làm rõ.
Theo Cao Khôi - Việt Hà
Báo Tiền phong