Phát hiện hàng trăm áo ngực chứa "chất lạ" ở ĐBSCL
(Dân trí) - Đoàn kiểm tra Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang vừa tiến hành kiểm tra nhiều mẫu áo ngực được bày bán tại các chợ trên địa bàn và phát hiện hàng trăm áo ngực in nhãn mác Trung Quốc chứa "chất lạ".
Theo đó, chiều 4/11, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Tháp cho biết, vừa kiểm tra các gian hàng ở một số chợ thuộc huyện Cao Lãnh, phát hiện 36 áo ngực in nhãn mác chữ Trung Quốc, bên trong áo có 2 túi nước chứa 3 viên thuốc màu trắng không rõ thuốc gì.
Tại chợ Tam Nông, huyện Tam Nông, ngành chức năng cũng phát hiện nhiều áo ngực loại này được bày bán rộng rãi. Các tiểu thương cho biết, loại áo ngực này lấy giá gốc khoảng 35.000 - 40.000 đồng/cái, nhưng bán ra thị trường với giá gấp đôi.
Ông Đỗ Hữu Quang - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 - cho biết, hầu hết số áo bị tạm giữ do không hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc có nhãn nhưng không đầy đủ nội dung theo quy định. Sau khi mở niêm phong kiểm tra 861 áo thì phát hiện 59 áo có chứa dung dịch lỏng và các hạt màu trắng, cứng không rõ chất gì.
Tại Tỉnh An Giang, vừa qua Chi cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra 4 cơ sở ở TP. Long Xuyên và thị xã Châu Đốc phát hiện nhiều áo ngực vi phạm về nhãn mác, trong đó có 36 áo ngực chứa chất lạ dạng viên, chất lỏng, … cơ quan tạm giữ để xác định.
Riêng tại địa bàn TP. Cần Thơ, ông Đỗ Văn Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ - cho biết, đến thời điểm này trên địa bàn Cần Thơ chưa có thông tin gì về việc áo ngực phụ nữ có độn “chất lạ”. Tuy nhiên, Chi cục đang triển khai kế hoạch kiểm tra trong một hai ngày tới về việc kinh doanh mặt hàng này.
Ngoài ra, tại các chợ đêm ở một số tỉnh như: Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp,… xuất hiện nhiều loại băng vệ sinh “nháy” 2 nhãn hàng Diana và Kotex như: Kelex, Danisa, Dania,… bán với giá rất bình dân (10.000 đ/3 gói).
Trong khi các phương tiện truyền thông có nhiều thông tin áo ngực, băng vệ sinh “dỏm”,… không gõ nguồn gốc, có chứa "chất lạ" nhưng vì ham giá rẻ, không phân biệt kỹ mẫu mã nên nhiều chị em có thu nhập thấp, sinh viên, học sinh vẫn chọn mua. Riêng các tiểu thương vì ham lợi từ việc kinh doanh mặt hàng “1 vốn 4 lời” nên cố ý nhập các mặt hàng nhái, không rõ nguồn gốc về bán cho người tiêu dùng.
Nguyễn Hành