1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phát hiện gần 200 bưu phẩm, bưu kiện có chứa pháo

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an đã phối hợp với công an các địa phương phát hiện, xử lý 194 bưu phẩm, bưu kiện có chứa pháo trong 2 năm qua.

Đó là thông tin Bộ Công an đưa ra trong văn bản gửi tới Bộ Tư pháp sau 2 năm thực hiện Nghị định 137/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.

Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã cấp 250 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các địa điểm kinh doanh pháo hoa; 377 giấy phép vận chuyển pháo hoa cho các doanh nghiệp được phép kinh doanh pháo hoa; 4 giấy phép xuất khẩu pháo hoa nổ đảm bảo đúng quy định.

Bộ Quốc phòng đã giao Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trực tiếp chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được phép sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ và thiết bị dùng để bắn pháo hoa nổ bảo đảm chất lượng, đúng quy chuẩn.

Phát hiện gần 200 bưu phẩm, bưu kiện có chứa pháo - 1

Người dân xếp hàng chờ mua pháo hoa không tiếng nổ ở Nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng nằm trên địa bàn thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ (Ảnh: VTV).

2 năm qua đã sản xuất trên 204.400 quả pháo hoa nổ tầm cao, gần 35.000 giàn pháo hoa nổ tầm thấp, trên 3 triệu giàn pháo hoa để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ngăn chặn 68 đường dẫn video quảng cáo, rao bán pháo

Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương tăng cường lực lượng phòng ngừa, đấu tranh đối với các loại tội phạm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép.

Qua rà soát đã phát hiện, đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước ngăn chặn 68 đường dẫn video quảng cáo, rao bán pháo; đề nghị các nhà mạng ngăn chặn, gỡ bỏ nhiều đường dẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về pháo trên mạng internet.

Công an đã lập danh sách 164 tài khoản mạng xã hội thường xuyên đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh quảng cáo, mua bán pháo trái phép. Phối hợp với công an các địa phương phát hiện, xử lý 194 bưu phẩm, bưu kiện có chứa pháo; tổ chức giám định 868 vụ việc liên quan đến pháo.

"Tình trạng đốt pháo trái phép và tai nạn về pháo đã giảm nhiều. Nhiều địa phương vào thời điểm giao thừa không có tiếng pháo nổ. Các địa điểm tổ chức bắn pháo hoa nổ được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Việc cho phép sử dụng các sản phẩm pháo hoa không gây tiếng nổ đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đáp ứng được nhu cầu về văn hóa, tinh thần của nhân dân", Bộ Công an cho hay.

Phát hiện gần 200 bưu phẩm, bưu kiện có chứa pháo - 2

Công an Nghệ An triệt phá một đường dây mua bán trái phép pháo nổ năm 2022 (Ảnh: CAND).

Số pháo thẩm lậu vào Việt Nam ở một số thời điểm vẫn khó kiểm soát

Dù vậy, Bộ Công an nhận định tình trạng sản xuất, mua, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và một số địa phương có tuyến biên giới giáp Lào, Campuchia.

Việc lợi dụng mạng xã hội, dịch vụ bưu chính để giao dịch mua bán, vận chuyển trái phép pháo khiến lực lượng công an gặp nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, bắt giữ.

Kết quả đấu tranh 2 năm qua cho thấy số pháo thu giữ giảm, nhưng số vụ việc và đối tượng vi phạm về pháo vẫn có chiều hướng gia tăng giữa các năm. Số pháo thẩm lậu vào Việt Nam ở một số thời điểm vẫn khó kiểm soát, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

"Tình trạng đốt pháo trái phép tại thời điểm giao thừa ở một số địa phương vẫn còn xảy ra, trước đây chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung, hiện nay xuất hiện ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ", báo cáo của Bộ Công an nêu.

Đáng lo ngại, tình trạng thanh thiếu niên mua hóa chất, nguyên liệu tự chế pháo nổ dẫn đến tai nạn, tình trạng tại nạn về pháo vẫn còn phức tạp. 2 năm qua đã xảy ra 492 vụ, 5 người chết và 134 người bị thương.

Công tác xử lý đối với các vụ việc vi phạm về pháo còn kéo dài, tỷ lệ áp dụng thủ tục điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử điểm, lưu động còn thấp. Nhiều vụ việc xử lý với mức án thấp nên tính răn đe, giáo dục chưa cao.

 2 năm bắt giữ 9.300 vụ liên quan đến pháo

Thống kê của Bộ Công an cho thấy, qua hơn 2 năm thực hiện Nghị định 137, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 9.300 vụ, 11.263 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép.

Lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 1.962 vụ, 2.619 đối tượng; xử phạt hành chính 6.987 vụ, 8.139 đối tượng, phạt tiền trên 35,8 tỷ đồng. Công an đang điều tra, xử lý 352 vụ, 505 đối tượng…