1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tuyên Quang:

Phát hiện di tích ngôi chùa cổ thời Trần

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc bảo tàng Tuyên Quang xác nhận, đơn vị vừa phát hiện nhiều hiện vật quý của một di tích chùa thời Trần có niên đại khoảng thế kỷ 13-14 tại Gò Chùa, thôn 17, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Trong đợt khảo sát chuyên môn mới đây, Bảo tàng Tuyên Quang đã phát hiện trên địa bàn huyện Yên Sơn có vết tích của một di chỉ đặc biệt. Tiến hành khai quật, Đoàn công tác đã phát hiện ra hàng nghìn di tích được chế tác từ đất nung và đá rất cầu kỳ.

Tất cả những di vật trên đều mang những nét đặc trưng của vật liệu kiến trúc thời Trần.
Đây là ngôi chùa thứ 5 cùng niên đại nhà Trần được phát hiện tại Tuyên Quang.

Ông Lý Mạnh Thắng cho biết, khu vực phát hiện các di tích là một quả đồi có tên Gò Chùa rộng khoảng 3ha. Từ năm 1976, quả đồi được bà con san gạt để trồng chè. Trong quá trình canh tác, những di tích cổ như gạch, ngói, chân tảng đá không còn nằm nguyên vị trí ban đầu; phần lớn đã bị vỡ nát.

Gạch trang trí Bảo tháp được đánh giá rất cao về nghệ thuật chế tác.
Gạch trang trí Bảo tháp được đánh giá rất cao về nghệ thuật chế tác.

Trên bề mặt di chỉ Gò Chùa, đoàn công tác đã phát hiện nhiều tảng đá có dạng khối hình học, một bề mặt được ghè sửa khá phẳng. Theo nhận định, những di tích này dùng để kê chân cột, giống hiện trạng di tích ngôi chùa thời Trần ở xã Nhữ Hán (Yên Sơn). Dựa vào khối lượng, quy mô cũng như phạm vi phân bố các lớp bờ kè đá, cán bộ Bảo tàng Tuyên Quang nhận định đây là dấu tích của một ngôi chùa khá lớn.

Theo ông Thắng, những di tích viên gạch vuông có chiều dài 35cm x 35cm x 5,2cm chiếm phần lớn các di tích còn lại. Những viên gạch này dùng để lát sân, không có hoa văn, được nung ở nhiệt độ cao nên rất cứng và có màu đỏ hoặc đỏ tím. Bên cạnh đó, vẫn có một số ít viên gạch đặc biệt được trang trí hoa văn và họa tiết hình hoa cúc hoặc hoa cúc cách điệu ở các góc.

Ngoài ra, tại di tích ngôi chùa thời Trần đặc biệt này còn xuất hiện những viên gạch bảo tháp có trang trí hoa chanh, hoa cúc dây được cách điệu ở những góc. Những đầu rồng và đầu cá chép bằng đất nung tương đối nguyên vẹn cũng được tìm thấy trong khu khai quật với những họa tiết mắt, mồm, râu tóc của rồng thời Trần. Đây là hiện vật quý hiếm lần đầu tiên tìm thấy trên đất Tuyên Quang.

Quá trình khảo sát cũng tìm thấy một số lượng lớn gốm Hoa Lâu và các loại gạch mỏng ốp tường có trang trí hình hoa chanh, cùng nhiều mảnh ngói mũi nhọn tam giác và mũi ngói đầu đao cong nhọn.

Dựa vào những họa tiết điêu khắc đặc trưng được trang trí trên những di tích, Bảo tàng Tuyên Quang nhận định ngôi chùa này được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII-XIV).

Đầu rồng thời Trần bằng đất nung được phát hiện tại khu di chỉ.
Đầu rồng thời Trần bằng đất nung được phát hiện tại khu di chỉ.

Theo ông Thắng, đây là phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu những giá trị văn hóa của văn minh Đại Việt thời nhà Trần. Phần lớn các di tích đều là những hiện vật hiếm hoi được tìm thấy ở phía Bắc nước ta.

“Đây chỉ là bước khảo sát ban đầu, chúng tôi đã chọn một số hiện vật đặc trưng để đưa về bảo tàng trưng bày và phục vụ công tác nghiên cứu. Hiện khu vực di chỉ đã được phong tỏa, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học để tiến hành khai quật với quy mô lớn để phục vụ việc nghiên cứu cũng như xác định chính xác niên đại và nguồn gốc ngôi chùa”, ông Thắng cho biết thêm.

Trước đó, 4 ngôi chùa có niên đại từ thời Trần cũng được phát hiện tại Tuyên Quang là: Chùa Phúc Lâm ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình; chùa Nhữ Hán thuộc huyện Yên Sơn; chùa Cao Đá, xã Sơn Nam và chùa Lang Đạo, xã Tú Thịnh  cùng ở huyện Sơn Dương.

Quốc Cường - Xuân Thái