Bắc Giang:
Phát hiện các công trình kiến trúc thành cổ từ thế kỷ 15
(Dân trí) - Trong đợt khai quật lần đầu năm 2008, các nhà khảo cổ học (Viện Khảo cổ học) đã phác hoạ bước đầu về hệ thống các công trình kiến trúc của thành cổ Xương Giang (xã Xương Giang, TP Bắc Giang) được xây dựng từ thế kỷ 15.
Đây là những bằng chứng quan trọng cho quá trình nghiên cứu tiếp theo về di tích này.
Các nhà khảo cổ học khẳng định về quy mô của thành Xương Giang bao gồm: thành, dinh thự, kho lương cũng như sản xuất nguyên vật liệu gạch, ngói... cho công trình này. Những công trình kiến trúc này phân bố rộng và chủ yếu xung quanh khu vực Đồi Ngô gồm Giếng Phủ, Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật và những khu vực sát thành và trên mặt thành.
Xung quanh khu vực Giếng Phủ là những công trình kiến trúc dinh thự của tầng lớp quan lại cao cấp của quân đội nhà Minh. Khu vực này đã có gạch ốp trang trí với đường nét hoa văn tinh xảo, sự phong phú của mô-típ hoa văn trang trí trên những viên gạch này cũng như diềm trang trí ngói âm của những viên ngói âm có kích thước lớn (dài 23,8cm, rộng 21,5cm) cho thấy đây là một công trình có quy mô lớn, vì chỉ có một bộ mái to, chắc khoẻ thì mới có thể chịu lực nổi những viên ngói có kích lớn như thế.
Th.s Trịnh Hoàng Hiệp đại diện nhóm khai quật cho rằng: Cái mà chúng ta phát hiện được là vô giá vì đó chính là hồn nước, là niềm tự hào dân tộc, là một trong những bằng chứng về công cuộc giữ nước và dựng nước của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân Bắc Giang nói riêng.
Chiến thắng Xương Giang là mốc son trong lịch sử đấu tranh chống quân xâm lược Minh, bởi vậy cần lập hồ sơ để trình lên Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích này là di tích lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia. UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu di tích lịch sử thành Xương Giang, xây dựng nơi đây thành không gian văn hoá tâm linh để tưởng nhớ chiến thắng oanh liệt tại thành cổ Xương Giang cùng với các anh hùng, nghĩa sĩ Lam Sơn và nơi đây sẽ là trọng tâm tổ chức lễ hội Xương Giang, một lễ hội lớn hàng năm của địa phương.
Việc xây dựng quy hoạch khu di tích này trong thời gian tới cần chú ý việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích khảo cổ học đã được phát hiện và nghiên cứu.
Hoàng Minh Nguyệt
TTXVN