1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Ninh:

Phát hiện bộ xương mang dấu ấn người thời Trần

(Dân trí) - Trong quá trình điền dã, thám sát khu vực bãi cọc Bạch Đằng (xã Yên Giang, Yên Hưng, Quảng Ninh), Trung tâm nghiên cứu Văn hoá Bạch Đằng đã phát hiện ba bộ hài cốt nằm cách nhau chừng 10-15m. Bước đầu xác định đó là 3 cụm xương người không đầy đủ.

Nơi đào được ba bộ xương nằm cách khu vực bãi cọc đang được bảo tồn 250 mét về phía đông nam và cách tuyến dự đoán đường bờ cổ chừng 30 mét. Hiện nay, vị trí đó nằm trong lòng đầm nuôi tôm của ông Kỳ.

 

Theo mô tả của ông Kỳ về cụm xương thứ ba, tức cụm xương vừa mới phát hiện cách đây chừng 3 tháng, khi đào đến độ sâu dưới mặt đầm cũ khoảng hơn 1 mét, tới ranh giới của đất sét thổ bên dưới tầng đất chứa sú vẹt thì phát hiện thấy xương người. Do tối trời, mọi người chỉ thu nhặt được một số, rất có thể một số xương còn sót lại dưới lòng đầm. Nghiên cứu chi tiết các xương đào được cho thấy xương được bảo tồn rất tốt. Có thể chính môi trường đất chua mặn ở khu vực này đã giúp cho xương cốt lâu bị phân huỷ...

 

Căn cứ những dấu tích trên, Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, đã đi đến quyết định thực hiện cuộc khai quật lại bộ hài cốt mà người dân phát hiện và đã chôn ở ven đường chân đê gần khu bảo tồn bãi cọc Bạch Đằng. Ngôi mộ mới được chôn cách đây khoảng 3 tháng, xương đào được đặt trong tiểu, chôn dưới mặt đất tự nhiên khoảng 40 cm.

 

Theo hiện trường đào được, bộ xương còn khá nguyên vẹn. Cụ thể củ tròn xương đùi còn nguyên vị trí trong hốc xương chậu. Đất sú đen còn bọc kín một số phần. Trong nhiều trường hợp có thể phát hiện ra dấu in vải trên nền xương được bọc đất này.

 

Nhưng tại bộ xương này tuyệt nhiên không có dấu vết vải. Số xương trong tiểu gồm có một nửa trái xương hông và một xương đùi còn nguyên vẹn, một xương đốt lớn có thể là xương nối trực tiếp với xương cụt của phần xương chậu, ba dẻ xương sườn ở khoảng vị trí đốt sống phần ngực. Tình trạng xương như vậy có thể kết luận khi thu nhặt đã không thực sự kỹ càng...

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt: Bước đầu nghiên cứu có thể nhận ra những đặc điểm xương nam rất rõ ràng trên phần xương chậu còn lại; góc bản xương chậu nơi tiếp giáp giữa xương bản chậu và hốc đùi hẹp, phần chuyển lên xương mu ngắn. Các ngấn khớp xương chậu liên kết chắc và mờ tương ứng mức độ bộ xương Nà Lồi (Sơn La), chứng tỏ chủ nhân trong khoảng 35 – 40 tuổi.

 

Xương đùi trái còn rất nguyên vẹn, chắc khoẻ, dài 44,7cm, cho phép tính theo công thức Fuji dự đoán chiều cao toàn thân trong khoảng trên dưới 165 cm. Địa tầng tìm được bộ xương thuộc tầng sét sú cổ trên cùng của lòng sông Chanh. Tầng sét sú này hình thành sau khi dòng sông đã bị đổi dòng trở thành đầm lầy và tiếp nhận trầm tích lục địa tạo nên tầng phù sa sét màu nâu dày ở bên trên.

 

Dựa vào vị trí những mảnh sành đời Trần tìm được, trong tầng sét sú này là tầng Bạch Đằng 1288, tức là sự hình thành của nó có thể bị ảnh hưởng của sự lầy cạn do đóng cọc và do những biến đổi địa hình có liên quan đến trận Bạch Đằng 1288. Chính đặc điểm địa hoá rất riêng của tầng này đã cho phép bảo tồn bộ xương tốt như vậy.

 

Theo TTXVN đưa tin, bộ xương nằm ở phạm vi phía ngoài đường bờ cổ đời Trần đã phát hiện và cách bãi cọc Bạch Đằng khoảng 250 mét đường chim bay về phía thượng dòng sông Chanh. Vị trí địa tầng và khoảng cách như vậy ở phía trên bãi cọc khá hợp lý với sự kiện gây ra rất nhiều thương vong xảy ra ở đây vào năm 1288....

 

Tuy vậy phát hiện và nghiên cứu các bộ xương nói trên mới chỉ dừng ở mức gợi ý đi sâu hơn vào việc tìm tòi phát hiện khảo cổ chứ chưa cho phép kết luận khoa học rằng chủ nhân bộ xương có hay không liên quan đến chiến trận Bạch Đằng 1288. Hướng nghiên cứu tiếp tục tới đây, Tiến sĩ Nguyễn Việt sẽ làm các xét nghiệm ADN và carbon phóng xạ C14 để thêm các dữ kiện khoa học trước khi đi tới kết luận cuối cùng.

 

Được biết, việc thám sát, điền dã khu vực bãi cọc này là để chuẩn bị cho Lễ hội kỷ niệm 720 năm Chiến thắng Bạch Đằng (1288-2008), thuộc đề tài nghiên cứu những chứng tích mới về Chiến trận Bạch Đằng nhằm bổ sung cho những chứng tích được phát hiện từ trước.

 

Nghĩa Tân