1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Phạt hành chính đến 2 tỷ đồng dễ dẫn đến thỏa thuận tiêu cực

(Dân trí) - Dự thảo Luật xử phạt vi phạm hành chính đề xuất nâng mức xử phạt tiền tối đa gấp 4 lần (từ 500 triệu lên 2 tỷ đồng). Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng mức phạt quá cao dễ dẫn đến thỏa thuận tiêu cực.

Phạt hành chính đến 2 tỷ đồng dễ dẫn đến thỏa thuận tiêu cực  - 1

Hành vi hủy hoại môi trường có thể phải nhận mức xử phạt rất cao
 
So với Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2008, cơ quan xây dựng dự thảo Luật thay thế nâng mức xử phạt tiền tối thiểu từ 10.000đ lên 50.000 đồng (gấp 5 lần) và tối đa từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng (gấp 4 lần). Mức phạt cao nhất dự kiến được áp dụng với các vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, tín dụng; chứng khoán và thị trường chứng khoán, quản lý rừng, lâm sản.

Tuy nhiên, UB Pháp luật (cơ quan thẩm tra dự án luật) nhận xét, quy định mức phạt tiền trong dự thảo Luật là quá cao so với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như thu nhập của nhân dân so với thời điểm Pháp lệnh có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/6/2008) đến nay mới được hơn 3 năm.

Mức phạt tăng gấp 4-5 lần này đồng thời cũng không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ luật hình sự. Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý lấy ví dụ: đối với người có hành vi huỷ hoại rừng sẽ bị Toà án tuyên phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng (Điều 189 Bộ LHS) nhưng cũng hành vi này trong dự thảo Luật, mức xử phạt tiền tối đa đến 2 tỷ đồng.

Ông Lý đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn để tăng mức phạt tiền cao như dự thảo Luật.

Chủ nhiệm UB Pháp luật cũng phân tích, nếu chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà không quan tâm các giải pháp khác về kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sẽ không đạt được mục đích để giảm vi phạm mà còn tạo ra bất lợi về nhiều mặt. Theo ông Lý, việc xử phạt mạnh tay sẽ đẩy người vi phạm vào đường cùng, dẫn đến tình trạng chống đối hoặc thoả thuận với người xử phạt dẫn đến tiêu cực.

“Thực tế cho thấy, để bảo đảm xử lý hành chính có hiệu quả thì phải chú trọng công tác tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác; chẳng hạn đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt cảnh cáo nhưng áp dụng tốt biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại” – Chủ nhiệm UB Pháp luật nêu quan điểm.

Vấn đề xử phạt tại khu vực đặc thù – khu vực nội thành của các thành phố lớn trực thuộc TƯ, Chính phủ đề xuất quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị. Quy định này nhận được “phiếu thuận” của UB Pháp luật.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành với quy định này và cho rằng như vậy sẽ tạo ra sự không bình đẳngtrong cùng một cấp hành chính, những người có cùng một chức vụ như nhau nhưng lại có thẩm quyền xử phạt khác nhau đối với hành vi vi phạm giống nhau.

Sau khi được UB Thường vụ cho ý kiến lần đầu, dự thảo Luật sẽ được bổ sung, chỉnh lý trước khi trình ra Quốc hội kỳ họp này.

P.Thảo