1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phập phồng lo đê điều Hà Nội vào mùa mưa bão

(Dân trí) - Dự báo trong tháng 7 có thể xảy ra 3 - 4 đợt mưa lớn. Mùa mưa, bão ở miền Bắc cũng sắp diễn ra, nhưng nhiều tuyến đê sung yếu của Hà Nội đang có nhiều ẩn họa khó lường.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, tháng 7 là thời điểm chính của mùa mưa tại các tỉnh Bắc Bộ. Do vậy trong  tháng có khả năng xảy ra 3 đến 4 đợt mưa vừa, mưa to khắp toàn miền, trong đó có Hà Nội. Đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, cần đề phòng xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá như đã từng diễn ra tại một số địa bàn: Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình… vào những mùa mưa năm trước.

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ, mùa mưa năm nay, lượng mưa ở Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Cùng đó, vào mùa mưa, bão năm nay, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng 6-7 cơn, nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm (vào tháng 5). năm nay đỉnh lũ cao nhất trên các sông chính ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm (giữa tháng 7 đến đầu tháng 8). Cùng đó,  tình hình thời thiết, thủy văn trên phạm vi cả nước cũng sẽ diễn biến phức tạp.

Như vậy, mùa mưa, bão với nhiều diễn biến phức tạp đã cận kề vào miền Bắc, nhưng theo báo cáo từ Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (PCLB), hệ thống đê điều Hà Nội chứa đựng nhiều ẩn họa  khó lường, do nhiều tuyến đê khô nhiều năm chưa qua thử thách với mưa to, lũ lớn.

Nhiều tuyến đê của Hà Nội đang bị xẻ thịt.
Nhiều tuyến đê của Hà Nội đang bị "xẻ thịt". (Ảnh: CTV)

Cụ thể, với 9 tuyến đê hữu Đà, tả, hữu Hồng, tả, hữu Đuống, tả, hữu Cà Lồ, hữu Cầu, đê Vân Cốc tổng chiều dài trên 272km tuy bảo đảm chống chọi được với mực nước lũ thiết kế nhưng nhiều đoạn đê nằm trên vùng đất có địa chất xấu chỉ cần báo động số 2 trở lên là đã xảy ra sự cố mạch đùn, mạch sủi có nhiều điểm xung yếu rất có thể gây ra sự cố sụt, lở, sạt, trượt. Với 5 tuyến đê phân lũ, là tả, hữu, Đáy, Ngọc Tảo, La Thạch, Tiên Tân tổng chiều dài trên 126km là các tuyến đê khô, thân đê có nhiều ẩn họa như hang cày, tổ mối, tổ chuột có hiện tượng thẩm lậu, thấm mái đê làm cho đê yếu khó chống đỡ khi nước to trên báo động số 3. Đáng chú ý, mặc dù các tuyến đê cấp 3 đến cấp đặc biệt đã cơ bản được cứng hóa nhưng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, vùng mặt đê trở thành huyết mạch giao thông số lượng xe vận tải lớn chở vật liệu xây dựng, gạch ngói, cát, làm hư hỏng mặt đê, gây nứt thân đê rất dễ xảy ra sự cố nguy hiểm.

Cũng theo báo cáo từ cơ quan chức năng, địa chất nền của các tuyến đê trên địa bàn Hà Nội rất phức tạp, nhiều đoạn đê có địa chất xấu, hệ thống đầm, hồ, ao, ven đê nhiều nên mùa mưa lũ thường xuất hiện mạch sủi, giếng sủi, mạch đùn, bùng nhùng dễ gây sự cố ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Do biến động của thời tiết, lượng nước về mùa cạn xuống rất thấp, làm cho sự chênh lệch mực nước giữa mùa lũ và mùa khô lớn đã gây ra hiện tượng sạt lở mạnh. Liên tiếp những vụ sạt lở trên hệ thống sông Hồng, sông Đà, sông Đuống ngày càng nghiêm trọng gây bất ổn cho dân cư ven sông và đe dọa an toàn hệ thống đê điều.

Báo cáo từ Ban chỉ huy PCLBU Hà Nội cũng cho biết, hiện tuyến đê Hà Nội có 4 trọng điểm nguy hiểm và và 12 vị trí xung yếu cần có phương án bảo vệ và đề phòng sự cố. Cụ thể, 4 trọng điểm rất nguy hiểm: cống Liên Mạc trên đê hữu Hồng huyện Từ Liêm là cống lớn xây dựng từ năm 1939 đáy cống ở cao trình thấp, tường bị thấm rất dễ xảy ra sự cố. Cụm công trình cống qua đê Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai chưa được thử thách chống lũ. Kè Thanh Am-Tình Quang đê hữu Đuống quận Long Biên do đê sát sông, dòng chảy áp sát bờ, xuất hiện cung nứt trượt dài 57m đã xử lý khẩn cấp nhưng vẫn xảy ra vết nứt sau xử lý. Khu vực đê, cầu cống Xuân Canh-Long Tửu đê tả Đuống, huyện Đông Anh là khu vực đê sát sông, mái kè cũng là mái đê nên thường xuyên xảy ra sự cố phức tạp, năm 2011 xuất hiện sự cố lún sụt mái kè tại K1+250 chưa được xử lý. Ngoài ra, 12 vị trí xung yếu dễ xảy ra sạt trượt mái đê, mái kè, xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, lún sụt, gây nguy hiểm cho sự an toàn đê, kè đó là: Kè Khê Thượng, kè Cổ Đô (Ba Vì), kè Sơn Tây, đê Sen Chiểu, cống Cẩm Đình (Phúc Thọ); kè Liên Trì (Đan Phượng); kè An Cảnh (Thường Tín), kè Quang Lãng (Phú Xuyên), kè Thanh Điềm (Mê Linh), kè Đổng Viên (Gia Lâm), đê kè cống Tân Hưng-Cẩm Hà, đê hữu Cầu (Sóc Sơn) và cống tiêu Yên Sơn đê hữu Đáy (Quốc Oai)….

Ngoài những trọng điểm và vị trí xung yếu dễ xảy ra sự cố bất thường đe dọa sự an toàn của hệ thống đê kè, còn phải cảnh báo tình trạng vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 1.616 vụ vi phạm nhưng mới xử lý được 714 vụ, còn tồn đọng 875 vụ…

Thanh Trầm