1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phập phồng đêm cuối Đan Lai

(Dân trí) - Lửa củi nứa nổ tí tách trong đêm mưa như rây bột giữa núi rừng bản Cò Phạt (xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An). Chỉ sáng mai thôi, hàng trăm hộ dân người dân tộc Đan Lai sẽ rời cội, chuyển đến vùng tái định cư mới Thạch Ngàn với bao khốn khó, lo toan…

Chuyến đi này nằm trong dự án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai”. Huyện Con Cuông dự định sẽ di dời dần người Đan Lai đến vùng định cư mới. Đợt di dân này, có 42 hộ dân (193 nhân khẩu) thuộc tộc người Đan Lai ở xã Môn Sơn, sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát ra định cư mới tại địa bàn xã Thạch Ngàn để kịp đón tết Đinh Hợi 2007. 

 

Dạ bời bời khi rời cội

 

Đêm Cò Phạt lạnh và buồn. Khung cảnh bản tả tơi, nhiều nhà đã tháo dỡ đồ đạc tùa gọn gẽ từng lố một. Đêm cuối cùng ở bản, người Đan Lai lại ngồi túm tụm bên đống lửa, bát rượu ngô sóng sánh trên tay, bày tỏ nỗi lo lắng về miền đất “lạ” sắp phải tới.

 

Ông Lê Văn Chương, 78 tuổi - một trong những người nhiều tuổi nhất trong bản ra đi đợt này, mân mê chai rượu, mắt đau đáu đượm buồn: “Lâu lắm rồi ta không nhớ nổi đâu, nhưng từ thời cha ta, ông ta cũng đã quen, gắn bó với cây rừng nơi đây. Phải ra đi buồn lắm, quen nước suối nơi đây rồi mà. Còn mồ mả nữa không di dời được mô. Tin cán bộ, tin Đảng nên bà con phải đi thôi. Ta già ta phải làm gương chứ”.

 

Theo đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người Đan Lai” thì người dân tộc này sẽ được di chuyển từ đây cho đến năm 2009. Trong đó xã Thạch Ngàn sẽ đón nhận gần 150 hộ sinh sống.

 

Dự kiến sẽ để 30 hộ ở lại bản Cò Phạt để tham gia gia phát triển công tác bảo vệ rừng, kết hợp phát triển du lịch sinh thái men theo tuyến khe Khặng tại Vườn Quốc gia Pù Mát.

Không những làm gương, ông Chương còn động viên bà con mình nhanh chóng chuẩn bị đến nơi ở mới. Dời đi, người già buồn vì nhớ cội, trẻ khóc vì phải xa bạn, xa trường.

 

Em Lê Văn Đạo, học sinh lớp 5 trường tiểu học Môn Sơn 3, rụt rè: “Thích nhưng cũng không thích khi chuyển đến nơi ở mới. Nghe cán bộ bảo đến nơi mới sẽ có trường mới, nhà mới, sướng lắm… Nhưng  nhớ bạn lắm. Lớp con có ít bạn phải di chuyển cùng bố mẹ như con. Tụi bạn bảo con bỏ tụi nó…”.

 

Càng về khuya, đêm rừng càng lạnh. Lửa sắp tàn nhưng nhiều người vẫn không ngủ nổi, tha thẩn. Anh Lê Văn Dương bộc bạch: “Chỉ còn đêm nay là đêm cuối, phải thức cùng núi rừng bản ta chứ. Cả nhà ta đều đi cả mà. Bản ta cũng nhiều người đi lắm. Không ai không nghe cán bộ nói mô. Nhưng ta lo cái mồ, cái mả ông cha ta lắm”.

 

Ông  La Văn Toán, 55 tuổi, trút hơi thở dài vào đêm mà than thở: “Đến cái nơi ở mới cuộc sống có khấm khá hơn nhưng nhớ lắm. Còn nhiều bà con còn ở lại. Nhưng dân ta tin cái lòng của cán bộ, của Đảng mà đi thôi chứ thực bụng ta và bà con bản Cò Phạt vẫn muốn ở đây thôi”.

 

Trở ngại nơi vùng đất mới

 

Tảng sáng. Người dân bản Cò Phạt nháo nhác khuân vác gia sản, dắt díu nhau xuống thuyền, theo dòng sông Giăng rời cội về vùng đất mới. Chúng tôi cùng lên thuyền của một gia đình trẻ. Anh chồng kể: “Ta phải bảo mãi con vợ mới đi đấy. Nó bảo ai biết ở chỗ mới như thế nào mà đi. Rồi thằng con sẽ học ở đâu, sinh sống ra sao”.

 

Đến Thạch Ngàn, mọi thứ đã sẵn sàng, nhà cửa khang trang. Đám trẻ cười tít. Trước mắt mỗi hộ dân tái định cư sẽ được nhận một nhà sàn 3 gian trị giá 130 triệu đồng hoặc nhà sàn 2 gian trị giá 120 triệu đồng. Ngoài ra huyện còn hỗ trợ 650.000 đồng/hộ tiền vận chuyển, liên hoan chia tay. Huyện cũng giao đất canh tác và vốn, giống cây, con... để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ săn bắn, hái lượm, làm nương sang trồng lúa nước, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm…

 

Phập phồng đêm cuối Đan Lai  - 1
 

Bản mới đã sẵn sàng chờ người Đan Lai.

 

Lãnh đạo huyện Con Cuông cho biết: Huyện có hơn 600 hộ, với gần 3.000 dân thuộc tộc người thiểu số Đan Lai. Số dân này sinh sống rải rác ở 6 xã miền núi. Trong đó có gần 200 hộ hiện đang sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát.

 

Ông Nguyễn Đình Thành, trưởng ban di dân huyện Con Cuông, lo lắng: “Khó khăn lớn nhất của huyện là làm sao trong thời gian ngắn nhất có thể di dời tiếp những hộ còn lại. Chậm trễ sẽ xảy ra tình trạng tách hộ lẻ nên việc di dời sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nơi ở mới dù hoàn thiện cũng vẫn còn nhiều khó khăn”.

 

Ông Lang Văn Luyện - Chủ tịch xã Thạch Ngàn - băn khoăn: “Thú thực chúng tôi không hiểu lắm về phong tục tập quán của tộc người Đan Lai nên không hiểu họ có phù hợp với vùng đất mới không? Mặt khác, hiện khu tái định cư chưa có trường học nên hơn 40 em học sinh chuyển ra từ trường tiểu học Môn Sơn 3 sẽ không biết học ở đâu. Trước mắt chúng tôi sẽ “mượn” tạm nhà ở để lấy phòng cho các em học”.

 

Nhưng giáo viên đâu để dạy các em? Bà con sẽ canh tác, sống như thế nào nơi vùng đất mới? Những câu hỏi đó đâu dễ trả lời. Nếu các cấp ngành liên quan không kịp thời điều chỉnh, rất có thể sẽ tái diễn tình trạng bà con dân tộc lại “hồi hương” như đợt tái định cư ở thuỷ điện bản Vẽ.

 

Nguyên Nghĩa - Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm