1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Pháo lậu tung hoành ở Hà Nội

Chưa đến Tết Nguyên đán, nhưng ở một số tuyến phố Hà Nội đã lác đác có tiếng pháo nổ đì đùng. Trên đường Đào Duy Anh, quận Đống Đa, một nhóm học sinh vừa đi vừa bàn luận sôi nổi về các loại pháo.

Một nhóc đầu húi cua khoa chân múa tay diễn giải cho các bạn: "Chơi pháo ném mới thích, vừa "an toàn cho người sử dụng" lại không bị ai phát hiện...". "Pháo diêm quẳng ra, cũng không ai phát hiện được đâu...", cậu bạn đi bên cạnh cướp lời. Nói xong cậu liền lấy trong túi ra một hộp pháo diêm, quẹt rồi quẳng ra đường.

12h trưa, đường Giảng Võ tương đối vắng. Người đàn ông tóc hoa râm đi trên chiếc xe Dream tới gần ngã 3 Giảng Võ - Trần Huy Liệu thì bỗng giật nảy mình vì một quả pháo quẳng ngay đầu xe nổ cái đoàng. Ông không giữ được thăng bằng tay lái, loạng choạng rồi cả người và chiếc xe đổ ập xuống lòng đường. Chiếc xe đè lên chân khiến người đàn ông không đứng dậy được. Trong khi mọi người xúm lại, người giúp ông dựng xe, người đỡ ông đứng dậy, thì cậu nhóc đeo kính cận vừa ném pháo trước đầu xe ông, cười khoái tra rồi chạy biến vào ngõ.

Các đầu nậu chủ yếu nhập lậu pháo từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh. Các cửa khẩu ở Cao Bằng và Lạng Sơn cũng có nhưng số lượng không nhiều. Trong 6 tháng cuối năm 2006 và nửa tháng đầu năm 2007, các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn chỉ bắt giữ được hơn 100 kg pháo nổ, 630 pháo hoa cây và 44 pháo hoa lễ hội.

Không chỉ đốt pháo tự do trên các đường phố, các cậu nhóc còn đốt pháo ngay tại cổng trường. Anh Hải, bảo vệ một trường THCS ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, vào đầu giờ học, giờ ra chơi và cuối buổi học thỉnh thoảng lại nghe tiếng pháo nổ đì đụp. "Có đứa táo tợn còn ném cả pháo vào phòng bảo vệ...", anh Hải than thở.

Tùng, một học sinh lớp 7 cho biết, hầu như quán bán hàng nào ở gần cổng trường cũng bán pháo nên mua rất dễ dàng. "Họ bán đủ các loại pháo, bọn cháu thường dành tiền ăn sáng để mua đốt nghe cho vui tai...", Tùng thích chí kể.

Một cán bộ quản lý thị trường, lượng pháo nhập lậu về Hà Nội chủ yếu tiêu thụ mạnh ở các trường THCS và tiểu học. Do lợi nhuận cao, một số quán bán hàng ở gần cổng trường đều mua pháo lậu về bán cho học sinh trong trường. "Rất nhiều quán ở cổng các trường có bán pháo lậu cho học sinh. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì không bắt giữ được mấy...", ông này cho hay.

Chị Lan, chủ quán bán hàng gần một trường tiểu học ở quận Long Biên, Hà Nội bật mí: "Cứ 2-3 ngày, tôi lại sai ông xã phi xe máy sang phố Lương Văn Can mua vài thùng pháo các loại về bán. Bán cũng chạy ra phết, lũ nhóc trong trường mua đông lắm...".

Tuy chẳng có tiếp thị hay quảng cáo, nhưng dân Hà thành vẫn biết và truyền tai nhau, muốn mua pháo lậu Trung Quốc thì đến ngã tư phố Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Cót, Hàng Chiếu. Nơi đây được coi là "chợ" bán sỉ mặt hàng quốc cấm này.

Các chủ đầu nậu pháo ở đây rất cẩn trọng để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện. Họ không bao giờ để pháo trong nhà. Nếu ai có nhu cầu, họ sẽ nhận tiền rồi chỉ sang địa chỉ khác lấy "hàng". "Các đầu nậu hoạt động buôn bán lén lút và hết sức tinh vi nên các lực lượng chức năng rất khó bắt quả tang...", Đội phó Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Nội Vũ Công Chí cho biết.

Vào dịp Tết năm nay, các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu biên giới và trong nội địa thường xuyên tuần tra, kiểm soát gắt gao hơn nên lượng pháo lậu thẩm thấu vào Việt Nam cũng hạn chế phần nào.

Một chủ đầu nậu tên Phương ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, năm nay lượng pháo nhập lậu vào Việt Nam bị Bộ đội biên phòng, Hải Quan và quản lý thị trường tại các cửa khẩu bắt khá nhiều nên lượng "hàng" tương đối khan hiếm. "Những năm trước, anh muốn mua bao nhiêu cũng có. Nhưng năm nay có lúc nhiều người hỏi mua mà không có "hàng" để xuất…", Phương chặc lưỡi tiếc rẻ.

Theo Anh Đức
VnExpress