1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Bình:

Phận nông dân mất đất ở khu tái định cư Hòn La

(Dân trí) - Nhiều hộ nông dân ở khu Tái định cư phục vụ Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình) đang bị đẩy tới cảnh bần cùng hóa do không có đất, không nghề nghiệp, nhà cửa và cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng.

Không ruộng vườn, không nghề nghiệp

Năm 2004, 38 hộ nông dân thôn Thọ Sơn (Quảng Đông - Quảng Trạch - Quảng Bình) chấp hành tốt chủ trương di dời để phục vụ xây dựng Khu kinh tế (KKT) Hòn La. Họ được cấp mới 250m2 đất làm nhà, kèm theo lời hứa tạo việc làm tại các doanh nghiệp trong KKT.

Thế nhưng, sau 7 năm, từ những nông dân trồng trọt, chăn nuôi họ trở thành những người thất nghiệp đúng nghĩa. 38 hộ dân ở khu tái định cư (TĐC) phải đôn đáo kiếm kế sinh nhai, chấp nhận làm thuê, phụ nề… nhưng ở mảnh đất cằn cỗi này, kiếm được 50.000 đồng/ngày cũng là một thách thức lớn.

Chị Nguyễn Thị Hằng (30 tuổi) là một điển hình: sau mấy năm không có việc, số tiền đền bù được đem mua gạo hết thì 4 người trong gia đình chị chỉ biết nhìn nhau. Từ đầu năm nay, phong trào xây nhà chờ đền bù nở rộ, vợ chồng chị mới nảy sáng kiến đúc block bán.

Phận nông dân mất đất ở khu tái định cư Hòn La - 1
Nhờ phong trào xây nàh chừo đền bù, chị Hằng kiếm được lối thoát bằng nghề đúc block bán.

Cả ngày làm quần quật, cả nhà chị kiếm được khoảng 200 nghìn đồng, cũng là một khoản khá. “Nhưng chỉ là tạm bợ, khi phong trào này qua thì chắc tôi phải dẹp nghề đúc block đi kiếm việc khác”, chị Hằng tâm sự.

Bà Lê Thị Sân (54 tuổi) cũng không khá hơn, đang yên lành trong căn nhà cũ với ruộng vườn, trâu bò gia đình bà phải di dời đến nơi ở mới với 130 triệu đồng tiền đền bù. Mượn thêm 50 triệu để dựng nhà mới, bỗng nhiên nhà bà Sân vừa ôm nợ, vừa mất đất, không biết làm gì.

Bà Sân đôn đáo đi xin việc tại các doanh nghiệp trong KKT Hòn La, nhưng không được nhận vì quá tuổi, thêm vào đó cả KKT chỉ có 3 doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ đang hoạt động nên việc làm so với nhu cầu của người dân như muối bỏ bể.

Nhiều hộ dân khác với 9 - 10 nhân khẩu phải chen chúc trong mảnh đất 250m2. Con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, tách hộ nhưng không thể kiếm nổi một mảnh đất cắm dùi.

“Năm 2004, thằng con lớn định làm nhà trên đất cũ, nhưng xã hứa cả nhà cứ đi, rồi sẽ cấp đất mới cho. Đến nơi ở mới rồi, chúng tôi làm đơn xin cấp đất cho con tách hộ thì được trả lời là phải đấu giá, chứ không cấp được. Không nghề ngỗng, lấy đâu ra 60 - 100 triệu đồng mà đấu”, bà Sân thở dài. Đó là chưa kể từ khi có phong trào xây nhà chờ đền bù, giá đất tăng chóng mặt khi nhiều doanh nghiệp đổ xô về mua đất, dựng nhà.

Trước đây, ngoài nghề trồng trọt thì dân Thọ Sơn có đàn dê lên tới hàng nghìn con, mỗi nhà cũng có dăm ba con bò. Từ khi đến khu TĐC, do không có chuồng trại nên đàn bò, dê lần lượt rụi, mất cả.

Ngay ông trưởng thôn Trần Ngọc Ky cũng không ngừng than vãn khi gia cảnh càng ngày càng khó khăn, cơ sở hạ tầng khu TĐC ngày càng xuống cấp. “Hễ nắng thì bụi mù trời, hễ mưa thì ngập lênh láng, đường sá đầy ổ voi, cơ sở hạ tầng xuống cấp, đủ thứ bất cập ở khu TĐC này”, ông Ky nói.

Biết nhưng chưa bàn!

Đã có thêm những đợt di dời mới, và 38 hộ dân “đi đầu” lại có thêm lý do để phàn nàn. Nếu năm 2004, các hộ di dời được cấp 250m2 đất làm nhà, thì nay các hộ đi sau được cấp 500m2 đất ở cộng với một sào đất sản xuất. Mỗi m2 nhà cấp 4 ngày trước được đền bù 400 nghìn đồng, nay đã là 1,4 triệu đồng/m2. Có những khoản đền bù chênh nhau đến hàng chục lần.

Ông Trần Ngọc Ky nói: “Không có nghề gì có lãi như đền bù, chúng tôi gương mẫu đi trước thì chịu đủ thiệt thòi, còn các hộ chây ì thì đến nay được nhiều ưu đãi”.

Đồng tình với người dân, ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông - thừa nhận, mức chênh lệch quá lớn trong các khoản đền bù khiến dân không đồng thuận. Nguyên nhân là do cách làm việc thiếu đồng bộ, đến khúc nào giải quyết khúc đó.

Duy chỉ có bài toán sinh kế thì giống nhau giữa các hộ đi trước và đi sau. “Trong lúc chờ dự án tạo sinh kế cho dân từ tỉnh và huyện, trước bức xúc của người dân về việc làm, xã cũng đã can thiệp với các doanh nghiệp về đóng trên địa bàn để cho con em vào làm. Nhưng vào được ít bữa là họ tìm cách sa thải để nhận con cháu họ từ nơi khác về” - ông Hoàng nói.

Những bất cập trong khu TĐC đã rõ, một lãnh đạo huyện Quảng Trạch thẳng thắn thừa nhận điều đó, song ông này cho rằng hiện việc này chưa bàn tới, vì tất cả đang tập trung cho việc GPMB dự án Nhiệt điện Quảng Trạch, dự kiến khởi công vào tháng 7/2011. Điều đó có nghĩa là hàng trăm hộ TĐC, nhức nhối nhất là 38 hộ đi trước, vẫn phải tự giải bài toán cơm áo gạo tiền và chờ lời hứa công việc, dù chưa biết phải chờ đến bao giờ.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm