1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bài 2:

Phần mềm cấp biển ngẫu nhiên có bị “can thiệp”?

(Dân trí) - Theo đơn thư tố cáo, phần mềm cấp biển số ngẫu nhiên hiện nay không phải do Cục CSGT Đường bộ - đường sắt xây dựng, chính vì thế, tính bảo mật không cao và đã bị “can thiệp” để phục vụ lợi ích một số cá nhân. Vậy, thực hư ra sao?

Bảo mật phần mềm bị “lộ mật”?

Đơn thư tố giác gửi đến báo Dân trí khẳng định, Phần mềm hệ thống cấp biển số tự động trên máy tính theo thông tin cập nhật là do Cục CSGT xây dựng và được quản lý bằng hệ thống mật mã bảo mật, luôn được thay đổi nhằm chống các tấn công từ bên ngoài và kiểm soát các thao tác tác động đến biển số.
 
Tuy nhiên, trên thực tế thì phần mềm này lại do một công ty ngoài ngành công an xây dựng. Theo cáo giác, Công ty Softend chuyên về phần mềm có địa chỉ ở phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình là đơn vị xây dựng phần mềm này.
Phần mềm cấp biển ngẫu nhiên có bị “can thiệp”? - 1
Theo đơn thư tố cáo, phần mềm cấp biển số tự động được xây dựng bởi một doanh nghiệp ngoài ngành
 

Theo số điện thoại in trên hình ảnh chụp “Hệ thống cấp biển số tự động” của lực lượng cảnh sát giao thông mà đơn thư tố cáo cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với công ty Softend. Qua nhân viên trực điện thoại chúng tôi đề nghị được gặp lãnh đạo công ty để trao đổi về những thông tin liên quan đến việc công ty này xây dựng phần mềm cấp biển số tự động cho lực lượng cảnh sát giao thông.

Sau đó máy điện thoại được chuyển đến cho một người đàn ông. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, vị này cho biết công ty đã từng viết phần mềm Hệ thống cấp biển số tự động ngẫu nhiên cho lực lượng cảnh sát giao thông. “Phần mềm này chúng tôi xây dựng đã lâu. Bên cảnh sát sau khi nhận có lẽ đã sửa chữa và nâng cấp. Bản đầu tiên đề tên công ty và có thể sau khi nâng cấp vẫn để như thế”.

Khi chúng tôi đề nghị cho biết danh tính, vị này ngập ngừng cho biết mình là… nhân viên thực tập (?).

Chính vì tính bảo mật không cao nên từ nhiều năm nay, đã có sự cấu kết từ một số đối tượng, giúp cán bộ các điểm đăng ký xe, tác động vào phần mềm nhằm lấy được những biển số đẹp, thu lợi bất chính.
 
Để tìm hiểu nội dung đơn thư tố cáo này, ngày 1/3, chúng tôi đã có buổi làm việc với Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt về những vấn đề liên quan đến phầm mềm cấp biển ngẫu nhiên.
 
Đại tá Dũng cho biết, lãnh đạo Cục cũng đã nhận được những thông tin phản ánh về tiêu cực xung quanh việc cấp biển số và đã cho kiểm tra nhưng “chưa phát hiện được tiêu cực”. Liên quan đến nguồn gốc phần mềm cấp biển, Đại tá Dũng cũng khẳng định, phần mềm này là do bộ phận tin học của Cục xây dựng.
 
Khi chúng tôi truy cập vào trang web của Công ty Softend (trụ sở ở phố Giảng Võ, Hà Nội, văn phòng giao dịch ở ngõ 125 phố Vĩnh Phúc) thì trong phần "sản phẩm và dịch vụ", thông tin cho thấy, đơn vị này có thực hiện các sản phẩm như: Hệ thống quản lý, cấp biển số tự động cho ô tô, xe máy; Hệ thống quản lý thi và cấp bằng lái xe; Hệ thống quản lý nhân sự và cán bộ công nhân viên chức...
 
Theo đại tá Dũng, lâu nay dư luận có ý kiến khác nhau về chuyện cấp biển số. Trước đây thực hiện cấp theo thứ tự đơn giản, sau do có nhiều dư luận nên chuyển sang hình thức bỏ phiếu bốc thăm. Tuy nhiên, dư luận vẫn không hết vì thế phải chuyển sang phần mềm cấp biển số ngẫu nhiên nhưng nghe chừng còn nhức đầu hơn.
 
“Đã có đề nghị là bán biển số nhưng lại nảy sinh vấn đề khác, như thế nào là biển số đẹp; ví dụ có thể ở địa phương, vùng miền này là biển số đẹp nhưng sang nơi khác thì không. Rồi lại sinh ra một bộ phận đấu thầu… Tới đây Cục CSGT sẽ có biện pháp mới, kiểm tra, phòng ngừa tốt nhất”, ông Dũng nói.
 
Băn khoăn phía sau những biển số đẹp
 
Theo những người am hiểu “thế giới biển số xe” thì 10 người mua xe có đến 9 người muốn có biển đẹp, đặc biệt là dân kinh doanh, vốn có sự quan tâm đặc biệt đến thế giới tâm linh.
 
Không những thế, khi đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để tậu chiếc ô tô thì họ cũng không ngại ngần chi thêm tiền để có biển số như ý. Vì thế, nhiều người tìm đến những tay môi giới, những người có thể… dàn xếp theo cách của riêng họ.
 
Phần mềm cấp biển ngẫu nhiên có bị “can thiệp”? - 2
Chiếc xe "siêu sang" Bentley và Mecerdes đeo biển "khủng" được chụp tại tỉnh Đăk Lăk
 
Trở lại câu chuyện liên quan đến phần mềm, câu hỏi là có hay không việc tác động vào hệ thống phần mềm cấp biển ngẫu nhiên để lấy biển số đẹp? Có hay không việc mua được những biển số như ý nếu đồng ý chi hàng chục ngàn USD?...
 
Theo đơn thư tố cáo của một người chuyên về buôn bán ô tô, anh ta đã móc nối được với một đường dây để giới thiệu cho nhiều đại lý Salon Auto có tên tuổi để có thể mua được những biến số đẹp, nhằm bán được nhiều xe. Chính vì thế, rất nhiều biển số “khủng” đã được gắn cho những “siêu xe” nổi tiếng có trị giá nhiều tỉ đồng.
 
Từ danh sách biển số xe do người tố cáo cung cấp, chúng tôi đã làm việc với Phòng CSGT công an Hà Nội để xác minh những chiếc biển số “khủng” mà đơn thư tố giác cung cấp. Kết quả xác minh cho thấy, rất nhiều biển số cực đẹp không biết vô tình hay hữu ý đều rơi vào những dòng xe hạng sang có giá trị nhiều tỷ đồng.
 
Cụ thể như: Biển kiểm soát “tứ quí” 30S-6666 được gắn cho xe Lexus; 30P-8888 xe Lexus; 30T-6666 xe Toyota Corola; 30T-9999 xe Bentley; 30S-9999 xe BMW; 30T-8888 xe Ford; 30K-9999 xe Hyundai…
 
Nguyên Đức - Phúc Hưng
(còn tiếp)