"Phần lớn nạn nhân tử vong trong các vụ cháy do không biết cách thoát nạn"

Hoa Lê
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng nên quy định một chương riêng về thoát nạn để có hướng dẫn người dân, sinh viên, trẻ em thao tác thoát nạn trong không gian khác nhau.

Luật nên có quy định riêng về thoát nạn

Thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chiều 27/6, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết, trong giải thích từ ngữ có quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn. Tuy nhiên, phần lớn các nạn nhân tử vong do không biết cách thoát nạn khi các lực lượng cứu nạn chưa đến kịp.

Đại biểu cho rằng thoát nạn là việc cá nhân, nhóm người phải tự mình di chuyển để thoát khỏi khu vực đang xảy ra sự cố cháy nổ, sự cố gây nguy hiểm theo lối thoát nạn, đường thoát nạn có sẵn.

Như vậy, thoát nạn không nằm trong khái niệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn hay cứu hộ. Do đó đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng luật nên chia ra 5 phần chính gồm: Phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ. 

Phần lớn nạn nhân tử vong trong các vụ cháy do không biết cách thoát nạn - 1

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Ảnh: Quốc hội).

Theo đại biểu, luật cũng cần có một chương riêng quy định về thoát nạn. Chương này sẽ quy định trách nhiệm hướng dẫn người dân, học sinh, sinh viên, trẻ em quy trình thao tác thoát nạn ở các không gian vị trí, hoàn cảnh khác nhau.

Về trách nhiệm chữa cháy, đại biểu cho biết, quy định cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường, đô thị, giao thông và cơ quan chức năng có liên quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi cháy để phục vụ chữa cháy.

Đại biểu Bình Định cho rằng ở nhiều nước khi có tình huống khẩn cấp, có cháy nổ, họ điều động cùng một lúc 3 lực lượng cảnh sát, chữa cháy, y tế.

Đối với Việt Nam, chưa đủ điều kiện để huy động cả 3 lực lượng trong tất cả các trường hợp cháy nổ. Tuy nhiên theo đại biểu, chúng ta luôn có lực lượng y tế cơ sở; đối với các trường hợp cháy nổ thường có liên quan đến hô hấp và bỏng da.

"Nếu lực lượng y tế có mặt sớm sẽ giúp ích nạn nhân sơ cứu ban đầu tốt hơn", ông Cảnh nói.

Đại biểu đề nghị quy định khi phát hiện cháy, đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi cháy để phục vụ cấp cứu người bị nạn...

Không để doanh nghiệp lợi dụng quy định phòng chống cháy nổ

Thảo luận về dự luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay, việc xảy ra cháy nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội thường xảy ra cháy gây chết người.

Những nơi cháy thường là khu dân cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ mini, nhà ở hẻm, ngõ, ngách gây khó khăn trong công tác chữa cháy.

Để quy định có tính ràng buộc, đại biểu đề nghị nên phân biệt các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy nổ, cần phải quy định khắt khe về quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy.

Bên cạnh đó, đối với cơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định phòng cháy an toàn; như vậy sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.

Phần lớn nạn nhân tử vong trong các vụ cháy do không biết cách thoát nạn - 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ảnh: Quốc hội).

Liên quan đến phòng cháy đối với nhà ở, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị có quy định thêm phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh và cho lưu trú để khắc phục bất cập hiện nay; vì đối tượng này rất nguy hiểm về cháy nổ.

Ông Hòa cũng đề nghị bỏ quy định hộ gia đình trong phạm vi khả năng điều kiện tự trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.

"Quy định này dễ bị lạm dụng. Vì hiện nay đã có hiện tượng cán bộ chuyên trách đến hộ gia đình, khu dân cư động viên mua dụng cụ chữa cháy. Việc này là cần thiết cho những nơi nhà ở dễ cháy, khó cứu chữa kịp thời; còn những nơi thuận lợi cho việc chữa cháy là không nhất thiết", đại biểu nhấn mạnh.