Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Đề xuất nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hoài Thu

(Dân trí) - Nêu thực tế nhiều hộ gia đình rất khó khăn, dù được hỗ trợ về vốn cũng không đủ để làm nên đại biểu Trần Quang Minh đề nghị nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi hơn.

Quan điểm này được đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Quảng Bình) nêu khi thảo luận trên nghị trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Giành thêm quỹ đất hỗ trợ bà con sản xuất

Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) góp ý về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và cho rằng nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào còn rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do thiếu quỹ đất.

Theo ông, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, rà soát bom mìn để giành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào nhằm ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Minh (Ảnh: Phạm Thắng).

Riêng hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với hộ chưa được cấp đất sản xuất, ông Minh nêu thực tế thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do mức hỗ trợ thấp, chỉ 9-10 triệu đồng/người và hướng dẫn nội dung hỗ trợ không rõ ràng.

Cụ thể, trong hỗ trợ xây dựng nhà ở, quy định nêu rõ vốn hỗ trợ từ nguồn Trung ương là 40 triệu đồng và địa phương đối ứng tối thiểu 10%, trong khi phải đợi đáp ứng đủ 4 tiêu chí là diện tích 30m2 và cứng tường sử dụng 20 năm, phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào và thi công ở miền núi.

"Những năm qua chúng ta hỗ trợ làm rất nhiều nhà cho các đối tượng khó khăn, những hộ nào có đối ứng được thì đa số đã được làm, còn lại những hộ khó, trong khi giá thành để xây dựng nhà như tiêu chí, tối thiểu phải là 120 triệu.

Chương trình có ưu đãi vay vốn, song những hộ này quá khó khăn, có tâm lý dù lãi suất ưu đãi đến mấy, thời gian có kéo dài thì vay cũng phải trả và có vay ở mức tối đa cũng không đủ để làm. Vì vậy, cần phải nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi", vị đại biểu góp ý.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số - 2

Dù thuộc diện được hỗ trợ nhà ở, nhưng 2 năm nay, hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được xây nhà mới (Ảnh: Đặng Dương).

Ngoài ra, ông Minh cho rằng cần bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào cách chi tiêu, tái tạo sức lao động, tiết kiệm, tích lũy, tránh sa vào tệ nạn xã hội.

Vị đại biểu nhấn mạnh đây là việc rất cần thiết, vì trong thực tế đồng bào do nhận thức, ý thức, trình độ và đặc thù nên việc tích lũy thường rất ít, chi tiêu không hợp lý, dẫn đến hiệu quả thoát nghèo bền vững không cao hay tái nghèo và cứ như thế đi vào vòng luẩn quẩn, không thoát ra được.

Tạo sự chủ động cho địa phương

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) nhận định các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức, quản lý, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cơ bản đã được ban hành đầy đủ, nhưng nhiều văn bản hướng dẫn còn chung chung, chưa rõ ràng, khó hiểu, khó thực hiện, không phù hợp thực tế.

Đặc biệt, ông Luận cho rằng còn thiếu những cơ chế, chính sách để khuyến khích làm giàu cho những người sản xuất, kinh doanh giỏi, có khả năng tạo ra việc làm, thu nhập cho người nghèo và cộng đồng.

Từ thực tế này, vị đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn theo hướng chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ áp dụng trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, ông Luận đề nghị bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng việc phối hợp lồng ghép giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và giữa các chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác, để thuận lợi cho quá trình giải ngân các nguồn vốn.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số - 3

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (Ảnh: Phạm Thắng).

Chỉ ra những bất cập trong lập kế hoạch và phân bổ vốn, vị đại biểu tỉnh Yên Bái cho biết kế hoạch vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021-2025 của các chương trình mục tiêu quốc gia chậm được giao, dẫn đến khó khăn trong việc xác định nhu cầu vốn để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Đặc biệt, đối với các dự án hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi có vòng đời trên một năm.

Cho rằng việc này không tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương, khó triển khai cơ chế lồng ghép tích hợp điều chuyển giữa các dự án, tiểu dự án khi tiến độ thực hiện không hiệu quả, ông Luận đề nghị Chính phủ xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đã được ban hành, không thực hiện giao theo lĩnh vực, theo dự án, tiểu dự án thành phần như hiện nay.

Đặc biệt, vị đại biểu đề nghị nghiên cứu có cơ chế đặc thù ưu đãi trong tổ chức thực hiện các chương trình cho các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, để các địa phương này có thêm nguồn lực trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.

Góp ý về phương thức quản lý thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ông Luận đề nghị cần nghiên cứu áp dụng cơ chế quản lý theo kết quả đầu ra để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn; theo dõi, đánh giá được tiến độ thực hiện so với các mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, theo ông Luận, cần giao quyền tự chủ và thực hiện phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương trong quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.