1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Phạm tội do chạy theo thành tích giáo dục”?

(Dân trí) - Ngày đầu tiên xét xử vụ “chạy điểm” ở Bạc Liêu, HĐXX đã triệu tập 26 bị cáo, trong đó có 24 cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD-ĐT. 5 bị cáo đầu vụ đã được thẩm vấn đều khẳng định phạm tội là “do chạy theo thành tích và áp lực từ lãnh đạo”.

>> Xử vụ “chạy điểm” cho gần 2.000 HS Bạc Liêu

 

Nâng điểm vì… sức ép

 

Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị can Nguyễn Văn Tấn, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT, thừa nhận đã thống nhất với cấp dưới chủ động nâng điểm cho các học sinh thi trượt vì tỷ lệ tốt nghiệp quá thấp, ảnh hưởng đến thành tích giáo dục của địa phương.

 

“Với tư cách là GĐ Sở GD-ĐT, tôi bàn với anh em trong hội đồng nâng điểm để chạy theo thành tích của ngành GD-ĐT tỉnh, vì sĩ diện và cũng vì nể nang anh em cán bộ gởi gắm con em” - ông Tấn thừa nhận. Và vì nể, vì sĩ diện, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh này chỉ đạt khoảng 55% đã được nâng lên thành 79,04%; tỷ lệ tốt nghiệp BT THPT khoảng 18% thành 47,28%.

 

Bị can Ngô Đoàn Nguyễn, nguyên PGĐ Sở GD-ĐT cũng khai nhận đã đồng thuận để nâng điểm đại trà và nâng điểm cho những thí sinh do cán bộ gởi gắm nhưng chỉ giữ ở mức đạt tỷ lệ tương đương kỳ thi trước. Ngô Đoàn Nguyễn trực tiếp theo dõi, chỉ đạo kỳ thì thống nhất với bị can Trần Văn Đồng, Lê Tiến Thịnh, chỉ đạo cho Nguyễn Hoàng Huy chỉnh sửa nâng điểm trên máy vi tính, rồi in ra.

 

Cụ thể, đã có 1.740 thí sinh của hai hệ THPT và BTTHPT được nâng đồng đều cho tất cả các môn thi từ  0,5 điển đến 1,5 điểm mỗi môn để đạt điểm đậu tốt nghiệp. Cá biệt, có học sinh được nâng đến… 17 điểm.

 

Vì thương học trò và… vì tiền

 

Bị can Trần Văn Đồng, nguyên Phó Trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT kiêm Chủ tịch Hội đồng chấm thi THPT bày tỏ: Tỷ lệ học sinh thi rớt quá nhiều là do sự gắt gao của hội đồng chấm thi, coi thi khiến ông… áy náy. Ông Đồng khóc khi trả lời thẩm vấn: “Tôi biết nâng điểm là sai. Nhưng cũng vì áp lực của lãnh đạo và thương học sinh nên phải làm”.

 

Bị can Nguyễn Hoàng Huy, chuyên viên vi tính Sở GD-ĐT, quản lý dữ liệu kỳ thi. Ngoài việc thực hiện nâng điểm theo chỉ đạo của lãnh đạo sở, Huy còn cùng với một loạt giáo viên khác tự động nâng điểm cho 119 thí sinh để nhận 246.500.000 đồng.

 

Một bị can khác là ông Lê Văn Phước (1962), ở phường 1, thị xã Bạc Liêu, nhận tiền nhiều cha mẹ học sinh nhưng không chạy lo nâng điểm mà chỉ để chi xài cá nhân bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1, Điều 139 BLHS.

 

Trong quá trình điều tra, các bị can đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt của cha mẹ học sinh là 533,9 triệu đồng.

 

Nhiều người liên quan đã bị… bỏ quên

 

Phần lớn các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về các tội danh “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ”, tội “nhận hối lộ” và “môi gới hối lộ”… Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm, 112 người người đã dùng tiền để “chạy điểm” lại không bị truy tố tội danh “đưa hối lộ”. HĐXX cũng không mời những người này tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

 

Trong số các học sinh được nâng điểm, có nhiều em là con, cháu của các cán bộ trong tỉnh. Theo danh sách của 2 bị can Nguyễn Văn Tấn và Ngô Đoàn Nguyễn, có hơn 20 cán bộ đã “gửi” con em mình để được nâng điểm trước khi nâng đại trà cho các học sinh khác. Trong đó có nhiều vị là Thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên như: Nguyễn Kiên Nhẫn  - Trưởng ban dân vận tỉnh ủy; Trương Minh Chiến - Trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy; Phan Trường Giang - GĐ Sở Thủy sản, Hồ Khải Hoàng - Tỉnh đội trưởng; Trương Công Lập nguyên GĐ Sở GD-ĐT Bạc Liêu, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội;  Bùi Thanh Hồng - Chánh văn phòng UBND tỉnh… 

 

Hôm nay (27/7) phiên HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị can còn lại.

 

Lệ Thủy