1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phạm nhân nữ gặp chồng tại phòng riêng phải dùng biện pháp tránh thai

(Dân trí) - Theo dự thảo Thông tư Quy định việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

Phạm nhân nữ gặp chồng tại phòng riêng phải dùng biện pháp tránh thai - 1

Nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ thoát án tử vì mang thai trong thời gian thụ án.

Dự thảo nêu rõ, giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Thời gian tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân trong ngày do thủ trưởng đơn vị quyết định theo giờ làm việc của đơn vị.

Những người là thân nhân phạm nhân được thăm gặp phạm nhân gồm: Ông, bà nội, ngoại; bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng); bố, mẹ nuôi hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp; anh, chị, em ruột; anh, chị em vợ (hoặc chồng); cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột. Mỗi lần đến thăm gặp phạm nhân tối đa không quá 3 người.

Thân nhân đến thăm gặp phạm nhân phải là người có tên trong Sổ thăm gặp (trường hợp thăm gặp lần đầu chưa có Sổ thăm gặp hoặc không có tên trong sổ thăm gặp thì phải có đơn xin thăm gặp có xác nhận của UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập), đại diện cơ quan, tổ chức khi đến gặp phạm nhân phải có đề nghị bằng văn bản, được cơ quan, chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân xác nhận, đồng thời phải có một trong những giấy tờ sau (trừ người dưới 14 tuổi): Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân; Hộ chiếu; Giấy xác nhận nếu là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên thuộc lực lượng vũ trang.

Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ tuỳ thân thì phải có đơn đề nghị có dán ảnh được UBND cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc, học tập xác nhận, đóng dấu vào đơn và đóng dấu giáp lai vào ảnh.

“Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân tại phòng riêng theo quy định tại khoản 1, Điều 46 Luật Thi hành án hình sự thì phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy nhà thăm gặp, có trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật, Nội quy của cơ sở giam giữ, đồng thời thực hiện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”- dự thảo nêu rõ.

Đáng chú ý, phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

Trách nhiệm của thân nhân và phạm nhân trong thăm gặp

Theo dự thảo thông tư, mọi người đến thăm gặp phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy nhà thăm gặp, tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp và những cán bộ có trách nhiệm khác, nếu gửi đồ vật cho phạm nhân thì phải kê khai danh mục các đồ vật đó và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc gửi đồ không đúng quy định. Không được quay phim, chụp ảnh, đưa vào nhà thăm gặp các thiết bị ghi âm, ghi hình, các thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị điện tử khác khi chưa được sự đồng ý của cán bộ có trách nhiệm.

Khi gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức, phạm nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, nội quy nhà thăm gặp và tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp.

Thân nhân phạm nhân khi đến thăm gặp hoặc qua đường bưu điện, có thể gửi thuốc chữa bệnh, thuốc bổ cho phạm nhân theo chỉ định của y, bác sỹ. Thuốc do thân nhân gửi cho phạm nhân phải có nhãn, mác, hàm lượng, công dụng, nơi sản xuất và còn thời hạn sử dụng.

Các loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ do thân nhân gửi cho phạm nhân phải có tủ đựng riêng. Cán bộ y tế của cơ sở giam giữ có trách nhiệm kiểm tra, quản lý và hướng dẫn phạm nhân sử dụng các loại thuốc chữa bệnh, thuốc bổ của thân nhân gửi theo quy định. Thuốc hết hạn sử dụng phải lập biên bản hủy có chứng kiến, ký (hoặc điểm chỉ) xác nhận của phạm nhân.

Khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc phải chuyển đi nơi khác, cán bộ y tế phải kiểm tra, đối chiếu, trả lại cho phạm nhân số thuốc chưa sử dụng hết hoặc bàn giao thuốc kèm theo hồ sơ sức khoẻ của phạm nhân cho đơn vị tiếp nhận.

Nếu phạm nhân ốm đau có nhu cầu sử dụng thuốc, cán bộ y tế căn cứ vào bệnh lý, phác đồ điều trị, cấp thuốc và hướng dẫn phạm nhân sử dụng trước sự chứng kiến của cán bộ giám sát. Thuốc của phạm nhân nào thì phạm nhân đó sử dụng và phải ghi rõ trong bệnh án: “Thuốc do thân nhân gửi” hoặc ghi vào sổ theo dõi. Phạm nhân nhận, sử dụng thuốc phải ký tên hoặc điểm chỉ (nếu không biết chữ) vào bệnh án hoặc sổ theo dõi.

Cấm thu tiền theo lượt thân nhân đến thăm gặp phạm nhân

Dự thảo thông tư do Bộ Công an xây dựng nghiêm cấm thái độ, hành vi tiêu cực, gây phiền hà trong việc tổ chức thăm gặp; tự ý giải quyết thăm gặp hoặc cho phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật ngoài khu vực nhà thăm gặp cũng như ngoài nơi được bố trí cho phạm nhân thăm gặp; tự ý nhận, chuyển thư, tiền, đồ vật cho phạm nhân.

Đồng thời, Bộ Công an cũng nghiêm cấm việc sử dụng phạm nhân hoặc người khác nhận giấy tờ, làm thủ tục cho thăm gặp thay cán bộ; thu tiền theo lượt thân nhân đến thăm gặp phạm nhân hoặc thu tiền cho phạm nhân gặp thêm thời gian.

Thế Kha