Phạm nhân lao động ngoài trại: Phải đảm bảo thù lao xứng đáng

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu làm rõ vấn đề phạm nhân được hưởng thành quả lao động của mình như thế nào nếu được đưa ra ngoài trại giam để làm việc. Chủ tịch Quốc hội nêu nguyên tắc phải đảm bảo việc trả thù lao, thời gian lao động/nghỉ ngơi, an toàn lao động…

Phiên thảo luật về luật thi hành án hình sự (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 10/1/2019 tập trung phần lớn ý kiến tranh luận về đề xuất đưa quy định về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân bên ngoài trại giam (Điều 17).

Nêu ý kiến từ góc độ việc sử dụng lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh &  Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, nhiều nước đã có kinh nghiệm về việc này, tại Việt Nam cũng có tiền lệ thí điểm. Cần làm rõ trong việc đưa phạm nhân ra ngoài làm việc không có yếu tố cưỡng bức lao động.

Phạm nhân lao động ngoài trại: Phải đảm bảo thù lao xứng đáng - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Tôi đồng ý với việc tổ chức lao động ngoài trại nếu phạm nhân được hưởng thành quả lao động xứng đáng".

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị, để đảm bảo sự phù hợp với công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam đã ký với ILO, cần quy định cụ thể về việc thoả thuận giữa phạm nhân với bên sử dụng lao động về loại công việc sẽ làm, thù lao, thậm chí là đóng bảo hiểm… như nhiều nước đang làm hiện nay để thể hiện yếu tố tự nguyện, quyền thoả thuận của phạm nhân.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định lại phân tích, cần làm rõ hoạt động liên kết của trại giam với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tư nhân… để đưa phạm nhân ra ngoài trại lao động. Để phạm nhân trực tiếp ký hợp đồng lao động với bên sử dụng lao động thì không phù hợp mà việc lao động đó phải do trại giam tổ chức để tránh mang tiếng là trại cho doanh nghiệp thuê phạm để khai thác sức lao động.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Văn Chiến ví von: “Lâu nay người ta hay nói “nước sông công phạm” để chỉ việc lợi dụng sức lao động của phạm nhân. Thực tế các trại cũng đã thí điểm việc tổ chức sản xuất ở bên ngoài, đưa phạm nhân đi làm theo hình thức sáng đi, tối về nên hiệu quả công việc vẫn hạn chế. Vậy khu vực sản xuất ngoài trại giam nên tổ chức như một phân trại, dù tách biệt với trại chính nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu giam giữ gắn với sản xuất”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích, phạm nhân vẫn có quyền con người nên việc lao động hướng tới giáo dục, cải tạo nhưng đồng thời để tạo điều kiện cho người tù có thể hoà nhập sau khi chấp hành án thoả đáng. Vậy nên quy định “cứng” quá sẽ làm khó cho cơ sở giam giữ.

Ủng hộ chủ trương cho các trại giam tổ chức đưa phạm nhân ra ngoài làm việc để nâng cao năng suất, chất lượng lao động, ông Hiển nhận định, rất nhiều phạm nhân là những người có trình độ, có kỹ thuật lao động có thể khai thác, sử dụng. Tạo điều kiện để những người chấp hành án phạt tù tăng cường lao động cũng là tăng khả năng tái hò nhập cộng đồng cho họ, là chủ trương thể hiện cái nhìn con người hơn, nhân văn hơn.

Tán thành hướng phân tích này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy định cần hài hòa giữa mục đích tạo điều kiện lao động để giáo dục, cải tạo người phạm tội, lợi ích của doanh nghiệp sử dụng lao động và lợi ích của phạm nhân. Theo bà Hải, luật cần đề cập rõ quyền được hưởng thành quả lao động của các phạm phân. Việc trích hưởng thù lao làm việc như thế nào phạm nhân cũng cần được biết rõ trước khi đồng ý, tự nguyện tham gia việc lao động ngoài trại, để những người thụ án tính được mình sẽ để dành được khoản tiền thế nào cho việc lập nghiệp sau khi ra tù.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ, bà từng đi thăm nhiều trại giam, tới từng phân trại, khu sản xuất xem các phạm nhân làm việc, sinh hoạt. Không lo ngại việc đưa phạm nhân ra ngoài lao động dễ phát sinh việc trốn trại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc, vấn đề là những người lao động áo sọc được hưởng thành quả công việc của mình thế nào.

“Nếu trả thù lao xứng đáng để cải thiện cuộc sống trong trại cho anh em, rồi đảm bảo các quy định về thời gian lao động/thời giờ nghỉ ngơi, bảo đảm an toàn lao động… như UB Tư pháp lập luận thì tôi đồng ý với việc tổ chức lao động ngoài trại. Nhưng điểm lao động đó nên tổ chức dưới hình thức là phân trại, có đủ điều kiện về nơi ở, chế độ giam giữ với những người lao động này” – Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Phạm nhân lao động ngoài trại: Phải đảm bảo thù lao xứng đáng - Ảnh 2.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình thêm một số nội dung của dự thảo luật

 

Các Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Công an cho biết thực tế việc đưa gần 7000 phạm nhân ra ngoài trại lao động là làm việc trong các doanh nghiệp hay tổ chức thành điểm lao động tập trung riêng của những người đang chấp hành án phạt tù, theo hình thức các phân trại.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, các trại giam đều tổ chức phân loại, chỉ những phạm nhân thuộc nhóm chấp hành quy định để được đánh giá tốt, đủ điều kiện đặc xá, tha tù trước thời hạn mới được xem xét đưa đi lao động ngoài trại. Dự luật xây dựng lần này không điều chỉnh, thay đổi gì những điều kiện đó.

Thực tế, các hoạt động như lao động trong trại, trại giam nhận hợp đồng với doanh nghiệp để đưa dây chuyền sản xuất vào trại/phân trại làm… vẫn diễn ra. Điểm mới cần bàn chỉ là trường hợp đưa những người chấp hành án ra ngoài phạm vi trại.

Cái khó nhất trong trường hợp này, theo Bộ trưởng Công an là, do người thụ án đang bị cách ly khỏi xã hội, hạn chế quyền tự do đi lại nên không dễ đưa đi đưa về, mặc dù việc được ra ngoài tác động tốt, tích cực cho việc cải tạo của phạm nhân. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị giữ quy định như dự thảo luật Chính phủ trình.

P.Thảo