7.000 phạm nhân lao động ở ngoài trại, chỉ 1 người bỏ trốn
(Dân trí) - Nêu những lý do để thuyết phục cho việc đưa quy định tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam vào luật Thi hành án (sửa đổi), Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thực tế, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động thời gian qua, chỉ có 1 người bỏ trốn.
Báo cáo về về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) tại UB Thường vụ Quốc hội sáng 10/1/2019, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý vấn đề tổ chức sản xuất, lao động cho phạm nhân ngoài trại giam.
Theo bà Nga, xung quanh vấn đề này hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của dự thảo luật là căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc này do Bộ trưởng Công an, Quốc phòng quy định. Tuy nhiên, các ý kiến cũng yêu cầu quy định chặt chẽ các điều kiện về loại tội, mức hình phạt, thời hạn tù, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động; trách nhiệm quản lý phạm nhân... để đưa phạm nhân ra lao động tại các khu ngoài trại.
Loại ý kiến thứ hai không tán thành quy định này vì cho rằng việc tổ chức những khu, điểm sản xuất, lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.
Giữa 2 luồng ý kiến, UB Tư pháp phân tích, chính sách quy định người bị phạt tù phải lao động, học tập là nhất quán từ trước tới nay. Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù. Việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng...
Thực tế, những năm qua, số người phải chấp hành án tù tại các trại giam ngày càng tăng. Mặc dù Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở giam giữ, nhưng đến nay cũng còn nhiều khó khăn. Nhiều trại giam thiếu diện tích đất, thiếu mặt bằng để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam. Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tạo việc làm cho họ sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam là rất lớn, rất khó khăn cho công tác quản lý phạm nhân.
Đảm bảo minh bạch phân phối thành quả lao động của phạm nhân
Lao động của phạm nhân tại các trại giam hiện vẫn rất hạn chế (ảnh minh hoạ)
Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay cả nước có 54 trại giam do Bộ Công an quản lý. Hầu hết các trại giam này đều đóng trên các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, giao thông không thuận lợi dẫn đến khó khăn trong thu hút đầu tư, tìm kiếm việc làm để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân. Đáng lưu ý, phần lớn các trại giam tại khu vực miền Bắc và miền Trung, diện tích đất hạn chế, phân tán (các phân trại cách xa nhau, đất không liền thổ), thổ nhưỡng xấu, rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân.
Việc tổ chức lao động trong các trại giam chủ yếu chỉ làm nông nghiệp, chăn nuôi, mang tính “tự cấp, tự túc”, năng suất, hiệu quả lao động rất thấp, đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là không đáng kể. Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam.
Thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam (chủ yếu là gia công may mặc, hàng thủ công nghiệp, chế biến nông sản...). Cách thức này tuy thuận lợi cho việc quản lý phạm nhân vì lao động được tổ chức trong trại giam, nhưng chỉ có thể tập trung vào một số ngành lao động thủ công, giá trị thu nhập thấp và Nhà nước phải đầu tư lớn về nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vì các doanh nghiệp không được phép đầu tư trong trại giam. Do việc sản xuất trong trại giam không thuận lợi cho doanh nghiệp, nên vừa qua rất khó thu hút được doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào sản xuất.
Để tháo gỡ khó khăn trên, tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được thành lập “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thành lập các “Điểm lao động, dạy nghề” ngoài trại giam.
Các điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam đều được thiết kế trong khuôn viên các cơ sở sản xuất của doanh nghiệp, có tường rào bao quanh, tách biệt khu dân cư; các phạm nhân được bố trí lao động trong phạm vi hẹp nên thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm lao động ngoài trại giam (bao gồm: công trình giam giữ, phục vụ giam giữ, quản lý phạm nhân, nhà ở cán bộ trại giam) do đơn vị liên kết chi trả.
Tiêu chí để lựa chọn các phạm nhân ra ngoài lao động (gồm: loại tội phạm, thời gian phải chấp hành hình phạt tù còn lại, mức án, nhân thân, thái độ chấp hành án, giới tính, sức khỏe...). Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn khu vực phạm nhân lao động.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, tổng kết thực tiễn cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.
Từ những phân tích đó, cơ quan thẩm tra cũng như cơ quan soạn thảo thống nhất bổ sung quy định cho phép trại giam thành lập Khu sản xuất, Điểm lao động và cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Các điều kiện đi kèm là: bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý (cải thiện bữa ăn, hưởng một phần thu nhập, mức đóng góp vào các quỹ theo quy định...); bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; đảm bảo các điều kiện với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động (như loại tội, mức hình phạt, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động…).
P.Thảo