1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phải tính toán kỹ khi chạm vào “dòng sông du đãng”

(Dân trí) - Nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm đã nêu quan điểm như vậy khi nói về dự án thành phố hai bên bờ sông Hồng. Theo ông, bên cạnh vấn đề thoát lũ, thành phố phải tính còn phải đến việc có nên tăng dân số khi mà mật độ hiện tại đã vượt quá xa tiêu chuẩn của một đô thị sống tốt.

Trả lời phỏng vấn Dân trí, ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: Chúng ta đặt vấn đề này ra là cần thiết nhưng không phải như một số cơ quan báo chí cũng như không ít người cho rằng đây là dự án táo bạo, mới mẻ… Từ 15 năm trước đây chúng tôi đã đặt vấn đề này và đến giờ tập hợp lại, tài liệu đã dày đến cả thước.

Dòng sông... du đãng

Thưa ông, thời gian qua Hà Nội đã phát triển rất nhiều về hướng Tây nhưng việc đưa ra dự án này đã khiến nhiều người băn khoăn rằng có phải chúng ta chưa nhất quán về hướng phát triển của thành phố?

Hướng phát triển bao gồm cả phía tây lẫn phía bắc nhưng trong thực tiễn từ năm 1998 đến vừa qua thì phát triển về phía tây là chủ yếu. Trong định hướng phát triển Thủ đô, có hướng tiến về phía bắc, khi đó, phía nam sông Hồng sẽ gọi là Hà Nội 1, phía bắc sông Hồng là Hà Nội 2, mở rộng tới 1 triệu dân.

Như thế, hướng bắc vẫn là hướng phát triển mạnh nhưng để làm được điều đó, chúng ta phải nhanh chóng xây dựng các cầu vượt sông. Seoul của Hàn Quốc có 21 triệu dân, có tới 24 cây cầu vượt sông, thủ đô Paris của Pháp qua sông Sene, nối Paris cổ với Le France cũng có cả chục cây cầu.

Hà Nội hiện nay, cầu Thăng Long hoạt động không hiệu quả, cầu Chương Dương thì quá tải, không được nghiệm thu, cầu Long Biên quá cũ kỹ, cầu Vĩnh Tuy dự kiến làm hơn 1 năm thì ẽo ợt đến 2 năm nay vẫn chưa đâu vào đâu, cầu Thanh Trì thì làm rồi nhưng không có đường dẫn...

Vì những khó khăn đó nên thực tiễn Hà Nội mới phát triển mạnh sang phía tây nhưng theo quy hoạch thì tôi khẳng định thành phố chủ trương phát triển cả phía bắc và phía tây chứ không chỉ là phía tây không. Trong các văn bản của Chính phủ cũng thể hiện điều đó.

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu dự án xây dựng thành phố hai bên sông Hồng được thực hiện, rất nhiều nhà cao tầng mọc lên hai bên bờ, sẽ ngăn tầm nhìn ra dòng sông, làm mất không gian thoáng đãng từ trước đến nay?

Xu thế phát triển xây dựng đô thị hiện nay phải là thân thiện với thiên nhiên nhưng trước hết phải đặt ra vấn đề an toàn với lũ.

Như vậy, chúng ta phải lật ngược lại việc có nên xây dựng thành phố hai bên sông, phải đặt ra vấn đề an toàn, bền vững cho Hà Nội, vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Trả lời được câu hỏi này thì mới tính được vấn đề xây dựng nhà cao tầng hay không.

Bài toán trị thuỷ liên quan đến sông Hồng vốn đã khó giải và đến nay đây vẫn là điều khiến chúng ta phải cân nhắc, nấn ná khi chạm đến dòng sông?

Bài toán đầu tiên là an toàn thoát lũ. Muốn giải quyết bài toán cải tạo sông Hồng, nòng cốt là chúng ta phải kế thừa, xác lập được cơ sở khoa học bền vững. Thứ hai là phải kế thừa và khai thác chọn lọc, lựa chọn những cơ chế để ổn định dòng chảy của dòng sông.

Chúng ta muốn khai thác gì thì cũng phải ổn định dòng chảy. Hiện nay, qua sự biến động của dòng sông, người ta thấy có 3 thế sông chính và 1 thế phụ. Qua những bản đồ của các thời kỳ trước đây, chúng ta thấy thế sông luôn biến đổi rất nhiều.

Thời điểm này, chúng ta phải lựa chọn cách ổn định theo thế sông nào, muốn vậy phải có những biện pháp kỹ thuật. Như vậy, việc ổn định thế sông đoạn qua Hà Nội không dễ và dự án này chưa thấy đặt vấn đề đó.

Dự án này còn đặt ra vấn đề xây dựng lại đê và lòng sông ở những nơi rộng khi đó cũng chỉ còn lại khoảng 1,5 km. Như vậy, việc thoát lũ sẽ vô cùng phức tạp?

Đúng. Không chỉ căn cứ yếu tố lưu lượng nước để tính rằng sông Hàn có lưu lượng 35.000m3 nước/giây, sông Hồng chỉ khoảng 25.000-30.000m3 nước/giây. Mức độ dòng chảy của sông Hồng dao động lớn hơn nhiều, như chúng tôi hay gọi là độ “du đãng” của sông hoặc nói cách khác là “dòng sông du đãng” cũng lớn hơn nhiều.

Có những lúc dòng sông đang chảy êm đềm, hiền hoà mà lại bung lên, lũ xoáy cuồn cuộn được ngay. Vậy thì phương án ổn định dòng chảy sông Hồng thế nào phải có cách nhìn lâu dài, có tính kế thừa. Đồng thời, phải có yếu tố dự báo tốt.

Hướng tới một đô thị sống tốt

Trở lại vấn đề có nên xây những ngôi nhà cao tầng phía bờ sông, thưa ông?

Xu hướng hiện đại luôn tập trung khai thác cảnh quan và tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ cảnh quan. Ví dụ, sông Sene của Pháp, sông Hàn của Hàn Quốc và gần đây là sông Danube của Áo cũng đều xây dựng những tòa nhà nhìn ra dòng sông.

Hàn Quốc thì khai thác một đô thị hiện đại, cao tầng dọc bờ sông nhưng như Áo thì lại chỉ thiết kế những công trình thấp tầng. Áo vừa bỏ ra nhiều triệu đô la để khai thác dòng sông theo cách tạo một cảnh quan thoáng đẹp, thơ mộng.

Còn việc các công trình xây dựng có cản tầm nhìn hay không thì ta phải xem toàn diện thiết kế, các tòa nhà cao tầng không thể để rải đều bám bên bờ sông. Tại sao chúng ta có một Bát Tràng, một làng hoa Tứ Liên, có một khu vực Thạch Bàn bên ngoài đê…

Yếu tố nào phải tính đến nữa thưa ông?

Làm cao hay thấp còn phụ thuộc vào phương án giữ nguyên dân hay giảm dân, tăng dân. Mật độ dân số của Hà Nội hiện tại đã chạm tới con số 3450 người/km2 trong khi đó, LHQ đã tổng kết, mật độ sống tốt ở một đô thị chỉ là 35-40 dân/km2.

Vậy thì Hà Nội đã có mật độ gấp hơn 100 lần tiêu chuẩn. Vấn đề đặt ra là chúng ta muốn giảm áp lực cho Hà Nội hay muốn tiếp tục tăng số mật độ đó để Thủ đô ngày càng xa vời với con số tiêu chuẩn của một đô thị sống tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng một thành phố hai bên bờ sông thì hạ tầng kỹ thuật song hành với nó rất phức tạp, phải có rất nhiều cầu đường để phục vụ giao thông đi lại, rất tốn kém. Ông đánh giá ý kiến này thế nào?

Đúng thế! Tôi luôn ủng hộ việc cải tạo, chỉnh trang sông Hồng nhưng điều đó cần phải cân nhắc tới lợi ích kinh tế. Hà Nội hiện nay, GDP khoảng 1300 USD/người/năm, mục tiêu phấn đấu đến 2500 USD cũng còn rất khó khăn.

Phải tính tới bài toán hiệu quả kinh tế và biết trong túi mình có chừng nào tiền. Chi phí đầu tư cho chỉ một cây cầu Vĩnh Tuy 3500 tỷ đồng, sẽ đem lại lợi ích lớn nếu đưa vào khai thác đúng dự kiến là cuối 2006, nhưng đến nay vẫn chưa xong và chắc còn phải chờ đến cuối 2008 vì không có tiền giải ngân… và rất nhiều ví dụ khác.

Xây dựng một thành phố đẹp ở... chỗ khác!

Nếu nói với Chủ tịch UBND TP Hà Nội về dự án thành phố hai bên bờ sông, ông sẽ nói gì?

Tôi sẽ nói, thứ nhất nên tập trung sức lực và các nhà khoa học trong và ngoài nước để đẩy mạnh việc nghiên cứu sông Hồng lên bởi 15 năm nay chúng ta đã tiến hành mà chưa đi đến được đích cuối cùng.

Thứ 2, để đi đến quyết định, sứ mệnh lịch sử là của người cầm quyền, phải nghĩ đến những vấn đề toàn cục, trước hết là vấn đề cả hệ thống, tính khoa học và tính thực tiễn của dự án và hiệu quả kinh tế của nó.

Cần cân nhắc việc khai thác dự án thành phố hai bên bờ sông với hiệu quả kinh tế mang lại, không nên làm bằng bất kỳ giá nào bởi cả nước có thể vì Hà Nội mà sẵn sàng đóng góp nhưng Hà Nội cũng phải vì cả nước nữa.

Phải căn cứ vào tiềm năng kinh tế xã hội và yêu cầu cao nhất là phải đảm bảo khả năng an toàn.

Đặt một tình huống giả định, nếu có 7 tỉ USD ông sẽ sử dụng đầu tư ở đâu?

Nếu có số tiền đó, tôi chỉ trích ra một chút để trồng cây xanh hai bờ sông Hồng. Tôi sẽ mang số tiền lớn còn lại xây dựng một thành phố mới rất đẹp ở chỗ khác, rất thuận tiện, chứ không phải tăng áp lực dân cư ở đây.

Xin cám ơn ông!

Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)