1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Phải mở tài khoản khi đăng ký ô tô để... phạt cho dễ!"

(Dân trí) - “Xử phạt qua hình ảnh phải đồng bộ, chủ phương tiện phải có tài khoản. Tôi đề nghị thí điểm đăng ký xe là phải có tài khoản để xử phạt dễ, trước hết là với ô tô” - Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an đề xuất.

Tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2015, ngày 26/11, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, nhiều trường hợp vi phạm hành chính bị cảnh sát tuýt còi là “cãi chầy, cãi cối”. Theo ông Hà, nếu như vi phạm nồng độ cồn, hay vi phạm tốc độ thì còn có kết quả in ra ngay, chứ vi phạm vượt đèn đỏ cũng đòi hình ảnh thì nhà nước lấy đâu ra nhiều tiền để thực hiện?

Về vấn đề phạt “nguội” thông qua hình ảnh trích xuất từ camera, Cục trưởng Trần Sơn Hà đánh giá rất hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường cao tốc chưa ổn định, dẫn đến việc lắp hệ thống giám sát rồi nhưng chưa sử dụng được, điều này cũng khiến hệ thống máy móc xuống cấp.

Tại đây, Cục trưởng Cục CSGT đề xuất Chính phủ quy định thí điểm việc chủ sở hữu ô tô khi thực hiện đăng ký phương tiện phải mở tài khoản, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Vị Cục trưởng này lý giải, quy định mở tài khoản sẽ giúp quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện, nhất là trong việc xử phạt chủ phương tiện vi phạm luật giao thông thông qua hệ thống giám sát giao thông tự động. Hiện việc xử phạt “nguội” qua hình ảnh đối với chủ phương tiện, người vi phạm rất khó khăn, nhiều trường hợp được thông báo về địa phương nhưng người vi phạm, chủ phương tiện không tự giác chấp hành.

Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT
Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT

“Xử phạt qua hình ảnh phải đồng bộ, chủ phương tiện phải có tài khoản. Tôi đề nghị thí điểm đăng ký xe là phải có tài khoản để xử phạt dễ, trước hết là với ô tô.” - Cục trưởng Cục CSGT đề xuất.

Theo Cục trưởng Trần Sơn Hà, ở nhiều nước đã thực hiện việc chủ sở hữu ô tô phải mở tài khoản, nếu vi phạm luật giao thông mà không đến nộp phạt sẽ bị tăng nặng, thậm chí có nước bắt đi tù.

Được biết, từ năm 2008 Bộ Công an đã thí điểm xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông trên tuyến Pháp Vân- Ninh Bình. Năm 2012, Bộ Công an phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia xây dựng hệ thống giám sát trên Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh, Nghệ An và TPHCM - Cần Thơ (dùng vốn vay ngân hàng thế giới).

Đến nay, đã phát hiện hơn 33.000 trường hợp vi phạm (trong đó trên 25.000 trường hợp dừng xử phạt tại hiện trường; tra cứu xác minh và thông báo cho người vi phạm đến nộp phạt hơn 7.800 trường hợp). Ngoài ra còn phát hiện nhiều tội phạm, trong đó có các trường hợp trộm cắp ô tô, gây tai nạn giao thông (TNGT) rồi bỏ chạy. Sau khi lắp đặt hệ thống giám sát giao thông tự động, TNGT trên các tuyến đã giảm 71% số người chết, hơn 10% số người bị thương.

TNGT giảm nhưng còn nhiều vụ nghiêm trọng

Tại Hội nghị này, vấn đề TNGT được đề cập với tín hiệu tích cực là đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Năm 2014 là năm đầu tiên trong nhiều năm, số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 9.000 người. Đặc biệt, nếu so sánh số liệu năm 2015 với năm 2011 thấy rằng số vụ TNGT đã giảm 51%, số người bị thương giảm gần 60% và số người chết do TNGT đã giảm gần 24%, trong điều kiện phương tiện giao thông và nhu cầu vận tải tăng cao.

Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, chúng ta đã có những bước tiến rất đáng mừng về giảm TNGT. Tuy giảm như vậy nhưng còn nhiều vụ nghiêm trọng. Mỗi năm có 9.000 người chết vì TNGT, bình quân có 24 người mỗi ngày ra khỏi nhà nhưng không bao giờ trở về vì TNGT.

Tình hình ùn tắc giao thông và TNGT những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực
Tình hình ùn tắc giao thông và TNGT những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt hạn chế và là thách thức trong việc đảm bảo ATGT như hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ - thông tin, hiệu quả trong công tác xây dựng quản lý; bất cập trong đăng kiểm, đào tạo, sát hành, cấp phép, xử phạt… Vì vậy, muốn an toàn giao thông trước hết phải giáo dục ý thức, văn hóa pháp luật của người tham gia giao thông.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương đánh giá kết quả dự án triển khai thí điểm hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự ATGT theo hình thức xã hội hóa, mở rộng triển khai trên toàn tuyến, các tuyến quốc lộ trọng điểm và đường cao tốc theo hình thức thuê dịch vụ. Đồng thời báo cáo Thủ Tướng xin phê duyệt cơ chế cho phép trích nguồn thu phí sử dụng đường bộ để thuê các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bảo đảm trật tự ATGT.

Về phía Bộ Công an, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị  tiếp thu các kết quả nghiên cứu về kiểm tra nồng độ cồn theo thông lệ quốc tế, kinh nghiệm kiểm tra nhanh nồng độ cồn không dùng thiết bị, các kinh nghiệm về tập huấn kỹ năng cho lực lượng thực thi công vụ, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, xử phạt nguội, các kinh nghiệm kết hợp giữa xử lý vi phạm và truyền thông… để bổ sung sửa đổi các quy định có liên quan cũng như đưa vào các hoạt động triển khai cụ thể.

Ủy ban ATGT Quốc gia có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bên có liên quan nghiên cứu đề xuất mô hình triển khai “Xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông”, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm TTATGT.

Châu Như Quỳnh