1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Phải làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất

(Dân trí) - "Phải làm rõ hơn cái quyền của người sử dụng đất. Cho nên khẳng định quyền sử dụng đất của người dân như là quyền tài sản được ghi nhận trong Hiến pháp, đấy là sự bảo đảm cho người dân".

Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khi trao đổi với báo chí.
 
Có nhiều ý kiến đề xuất đa sở hữu đất đai, trong đó có cả sở hữu cá nhân trong quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp cũng như sửa đổi Luật Đất đai. Vì sao, chúng ta chỉ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện?

Vấn đề đất đai không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội. Lịch sử hình thành đất đai của Việt Nam qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã phải giành từng tấc đất, rồi chế độ đất đai cũng qua nhiều thời kỳ rất khác nhau cho nên bây giờ nếu nói tư hữu hóa đất đai hay nhiều hình thức sở hữu đất đai thì sẽ có những vấn đề phức tạp về mặt chính trị, xã hội. Đây là một vấn đề rất lớn, ý kiến hiện nay cũng rất khác nhau, nhưng đa số ý kiến của nhân dân, các cơ quan tổ chức đều khẳng định trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của chúng ta thì sở hữu toàn dân về đất đai là phương án hợp lý nhất nó có tính chất lịch sử và nó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của nước ta.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Như tôi nói bản chất của vấn đề là quy định quyền của chủ sở hữu đất thay mặt cho toàn dân trong vấn đề sở hữu đất cũng như quyền của người dân được giao quyền sử dụng đất như là một quyền tài sản thì pháp luật phải bảo hộ, bảo vệ được quyền tài sản đó của người dân và phải xử lý được những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện nay trong vấn đề thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, trong vấn đề giá, chính sách tài chính về đất đai hiện nay cũng như cơ chế quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai. Tất cả những cái đó sẽ giải quyết được tồn đọng, bất cập hiện nay.

Như vậy, có thể hiểu vẫn tiếp tục duy trì hình thức sở hữu toàn dân về đất đai và nhà nước là đại diện, nhưng quyền lợi của người dân sẽ ngày càng được bảo đảm hơn?

Chắc chắn là như vậy! Phải làm rõ hơn cái quyền của người sử dụng đất. Cho nên khẳng định quyền sử dụng đất của người dân như là quyền tài sản được ghi nhận trong Hiến pháp đấy là sự bảo đảm cho người dân.

Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, một số đại biểu cho rằng, ngoài lý do quốc phòng, công cộng, lợi ích quốc gia thì việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ mâu thuẫn với việc nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất của người dân. Ban soạn thảo có đưa ra hướng giải quyết vấn đề này không, thưa ông?

Thực ra, các ý kiến cho rằng nếu như để cả vế thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế - xã hội thì mở rộng quá quyền thu hồi đất của các cơ quan nhà nước. Vì lý do đó nó có thể xâm phạm đến quyền sử dụng đất của người dân dẫn đến sự tùy tiện ở chỗ này chỗ khác.

Cũng có ý kiến cho rằng trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã đề cập vấn đề thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng và trong những lợi ích này đã bao hàm cả vấn đề thu hồi đất để phát triển các dự án kinh tế - xã hội cho nên không cần thiết bổ sung điều đó. Đây là ý kiến chúng ta cần phải ghi nhận để xem xét khi trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định.

Cũng có ý kiến lo ngại việc thu hồi đất vì mục kinh tế - xã hội sẽ dẫn đến lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân bị đan xen vào đó. Quan điểm của cá nhân ông thì có nên bỏ ý này không?

Tôi nghĩ cái đấy cũng cần phải cân nhắc. Theo như ý kiến tôi đã nói ở trên thì đây là ý kiến hợp lý.

Quang Phong