1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Phải coi hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ”

(Dân trí) - TS. Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng phải coi hoạt động tác nghiệp của báo chí là thi hành công vụ để các nhà báo được bảo vệ tốt hơn.

TS Trần Bá Dung.
TS Trần Bá Dung.

Phóng viên: Qua nghiên cứu của mình, ông có thể đưa ra nhận định về xu hướng phát triển của báo chí trong thời gian sắp tới?

TS. Trần Bá Dung: Báo chí truyền thống (báo in, báo nói, báo hình) đang phải cạnh tranh gay gắt với báo mạng điện tử. Nhưng ngược lại, tất cả các loại hình báo chí lại đang phải cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, bởi mạng xã hội có sức lan tỏa thông tin nhanh nhạy hơn cả vì không phải qua khâu biên tập, duyệt trước khi đăng tải.

Trước bối cảnh đó có thể thấy báo chí thế giới và Việt Nam đang ngày càng thay đổi về nội dung, cấu trúc và cách thức truyền tải thông tin. Xu hướng rõ nhất chính là việc thông tin trên báo chí phải được cập nhật liên tục 24/24h trong ngày, nếu không bắt kịp sẽ lạc hậu ngay. Vì trên mạng xã hội người ta có thể xem được cả truyền hình, phát thanh, xem báo in qua file PDF, nên nó sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của báo chí, vừa là đối thủ nhưng cũng là trợ thủ đắc lực của báo chí. Nhận thức mạng xã hội là đối thủ thì phải tìm cách cạnh tranh, coi nó là trợ thủ thì cần biết khai thác, tận dụng bằng cách nào. Năm ngoái chúng tôi sang Đức, nhận thấy người ta đã bắt nhịp rất nhanh. Mọi nhà báo chúng tôi gặp đều nói rằng họ coi mạng xã hội là không thể thiếu được, dù người ta biết mặt bất cập của nó. Người ta khai thác thông tin, chia sẻ thông tin và xem bạn đọc phản ứng thế nào qua mạng xã hội.

Một xu hướng nữa, theo tôi đó là thông tin quảng cáo trên báo chí sẽ không đơn thuần là thông tin bán hàng nữa. Quảng cáo cũng là nội dung thông tin. Thông tin quảng cáo trên báo là thông tin trung thực, không chỉ nói vống lên để bán hàng. Đã có một số tờ báo làm được điều này, thông tin họ đăng tải khi đọc có thể tin tưởng được, chứ không phải quảng cáo thì cái gì cũng “nhất”.

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì mọi công dân đều có thể tham gia vào quá trình sản xuất báo chí. Chính mạng xã hội đã trở thành môi trường để phát triển đội ngũ “nhà báo công dân”. Họ không làm việc cho cơ quan báo chí nào cả, nhưng chính những người dân bình thường đó đã sử dụng công nghệ hiện đại để quay clip, chụp ảnh và viết bài đưa lên mạng xã hội, trang mạng cá nhân của họ. Đó đều là những thông tin thô, không được kiểm chứng nhưng đó là những thông tin nhanh nhất. Rất nhiều sự kiện thời sự lớn trên thế giới đã được đưa lên mạng xã hội sớm nhất và báo chí phải lần theo dấu vết đó mà khai thác.

Như trang otofun hiện nay cũng vậy. Tôi có theo dõi trang này và thấy rất nhiều các vụ tai nạn, sự cố về giao thông được họ đưa lên rất nhanh, đầy đủ. Đó chính là sự nhanh nhạy của công dân làm báo, dù họ không phải là nhà báo.

Việc tiện ích hóa thông tin, cá nhân hóa phương tiện, mỗi người đều dùng điện thoại thông minh, máy tính cá nhân để tiếp nhận thông tin ngày nay cũng là cơ hội cho nhà báo, cơ quan báo chí có thêm nhiều độc giả. Chính vì thế tôi cho rằng xu thế đa phương tiện, làm báo trong môi trương hội tụ truyền thông và tất cả hội tụ trên mạng internet là điều tất yếu. Trong môi trường đó anh phải làm báo với tư duy mới, đa phương tiện, tổ chức tòa soạn, tác phẩm đa phương tiện.

Xu hướng đó đòi hỏi thời gian sản xuất tin bài phải rút ngắn lại, thậm chí nhanh và gấp gáp hơn trước đây. Theo ông, nó có ảnh hưởng tới tới đạo đức của nhà báo không. Nói như nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương - tại một hội thảo gần đây: “Là nhà báo 50 năm cầm bút, tôi phải đau lòng nói rằng chưa bao giờ uy tín báo chí giảm sút như hiện nay. Có người giờ không dám nhận là nhà báo vì báo chí sai sự thật quá nhiều. Có những cái sai không ngờ. Ví dụ, có nhà báo nghe vợ đi chợ về nói là có tin đồn bố chồng dan díu với con dâu, về cũng làm tin đăng phát trên đài quốc gia”?

Vấn đề này có tính hai mặt của nó. Môi trường truyền thông đa phương tiện như vậy, nhu cầu của công chúng như vậy, đó là động lực khiến nhà báo phải nhanh hơn, nhạy hơn, tinh thông nghiệp vụ và công nghệ thông tin hơn, phải có phản xạ 24/24h. Nhưng mặt trái của nó là đặt sức ép rất lớn cho người làm báo. Cơ quan báo chí dễ bị sức ép cạnh tranh thông tin mà bỏ qua quy trình làm báo thông thường.

Tôi được biết một số vụ xử lý báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông gần đây đều do người viết bài tự đưa lên báo mà không qua lãnh đạo báo đó duyệt, biên tập. Đó là điều không chấp nhận được, bởi làm báo là một quy trình của tập thể, phải có tính định hướng, kiểm soát và có trách nhiệm trước xã hội. Sức ép thông tin làm cho người ta bỏ qua quy trình làm báo thông thường thì thể nào cũng có vi phạm. Sức ép như vậy cũng dễ khiến nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, phóng viên có thể làm ẩu hơn, làm cho có định mức, làm qua loa cho xong chuyện, đạt định mức và sẵn sàng rút tít giật gân câu khách để lôi kéo người đọc. Tôi được biết có cơ quan báo chí quy định bài đưa lên phải đạt bao nhiêu lượng truy cập thì mới được trả nhuận bút, lượng truy cập càng cao thì nhuận bút càng cao, như thế vừa đúng vừa không đúng, bởi có những tin tức dù có ý nghĩa và cần công bố nhưng người ta không thích đọc. Sức ép tin tức như vậy cũng khiến người làm báo xào xáo tin tức của nhau, yếu tố bản quyền trong báo chí cũng chưa được coi trọng.

Tâm lý của người dân hiện nay chủ yếu đọc báo mạng, lướt web cho nhanh, nên tin giật gân thường có lượng đọc cao. Chính tâm lý dễ dãi của người đọc cũng đang khiến cho người sản xuất thông tin, người làm báo dễ dãi hơn.

Phóng viên bị cản trở tác nghiệp trong một vụ cháy ở Hà Nội (Ảnh: T.N)
Phóng viên bị cản trở tác nghiệp trong một vụ cháy ở Hà Nội (Ảnh: T.N)

Thời gian gần đây tiếp tục nổi lên câu chuyện nhà báo bị đe dọa, xúc phạm, thậm chí cản trở, gây thương tích trong quá trình tác nghiệp. Theo ông, việc sửa đổi Luật Báo chí và Bộ luật Hình sự đang được tiến hành có nên bổ sung quy định coi hoạt động tác nghiệp của báo chí là thi hành công vụ để nhà báo được bảo vệ tốt hơn?

Cách đây 5 năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo rất hay về tình hình hành hung nhà báo trong quá trình tác nghiệp, trong đó nhiều cơ quan công quyền đã tham dự. Ai cũng nói rằng tất cả những vụ hành hung nhà báo, xâm phạm quyền nhân thân của nhà báo, xâm phạm tới vật chất, tinh thần và nặng nhất là hành hung thành thương tích, rất ít vụ được đưa ra xử. Trong số rất ít vụ được đưa ra xét xử đó thì lại chủ yếu được xử với tội danh “Cố ý gây thương tích”, trong khi nhiều người cho rằng phải xử theo Điều 257 Bộ luật Hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”. 

Nhiều ý kiến đã đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam làm việc với TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để làm sao có một thông tư hướng dẫn nào đó xung quanh việc xử lý đối với những hành vi cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp, coi đó là chống người thi hành công vụ, và phải khởi tố người hành hung, gây thương tích cho nhà báo theo Điều 257 Bộ luật Hình sự.

Tôi cho rằng việc sửa luật mà đưa được điều đó vào thì rất tốt. Cái chính hiện nay là sự gặp nhau, thống nhất giữa các cơ quan tư pháp thôi.

Xin cảm ơn ông!

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm