Phải có luật để xử lý những "rắc rối" trong nhà chung cư

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, phải sớm có luật về quản lý nhà chung cư để giải quyết những vấn đề phức tạp, tranh chấp đang nảy sinh hiện nay.

Tại buổi tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 4/2 về các điểm mới liên quan đến sở hữu và quyền sở hữu được nêu ra trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp) - cho biết Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu: Sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung; sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Tuy nhiên để phù hợp với tinh thần của Điều 53 Hiến pháp 2013, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân chỉ còn quy định 3 hình thức sở hữu, gồm sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng.

Phải có luật để xử lý những rắc rối trong nhà chung cư
Từ trái qua phải: Ông Phùng Trung Tập, ông Nguyễn Mạnh Khởi và ông Dương Đăng Huệ tại buổi tọa đàm sáng 4/2.

Không có tự do sở hữu tuyệt đối

Theo ông Dương Đăng Huệ, không thể có tự do tuyệt đối. Tự do sở hữu nhưng không phải trong hoàn cảnh nào cũng được như vậy. “Thế nên trong Bộ luật Dân sự sửa đổi có nói trừ trường hợp trong bộ luật này hoặc luật chuyên ngành khác quy định. Tôi cho rằng chúng ta không nên lo lắng về chuyện này, bởi Hiến pháp đã nói rồi: Quyền công dân, trong đó có quyền sở hữu chỉ bị hạn chế trong trường hợp thực sự cần thiết vì lý do liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức. Cần cho phép các luật chuyên ngành có quyền hạn chế tự do sở hữu, nhưng không lo việc hạn chế tùy tiện, bởi phải có nguyên tắc của nó”- ông Huệ nói.

GS. Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà Nội) cho biết mọi thành phần kinh tế, có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, trong quốc doanh và ngoài quốc doanh, bình đẳng trong việc làm giàu.

“Việc khuyến khích cho công dân và các tổ chức làm giàu hợp pháp sẽ khiến của cải vật chất xã hội ngày càng nhiều, giao lưu dân sự, thương mại ngày càng phát triển theo. Nhưng như anh Huệ nói, quyền tự do không phải tuyệt đối; quyền tự do sở hữu của một cá nhân hay tổ chức phải gắn với tất cả quan hệ xã hội, lợi ích quốc gia là cao nhất. Khi cần thiết, vì lợi ích quốc gia thì nhà nước có thể trưng mua, trưng dụng tài sản tư nhân và có đền bù ngang giá vào thời điểm đó. Phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu và không lo cơ quan này, cơ quan kia lợi dụng quyền lực để hạn chế quyền của cá nhân hay pháp nhân”- ông Tập phân tích.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) dẫn việc hạn chế người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. “Không phải tất cả người nước ngoài đều có thể mua, sở hữu nhà ở Việt Nam bởi việc này liên quan đến lợi ích quốc gia”- ông Khởi nói.

Vấn đề nhà chung cư đang rất phức tạp

Trả lời thắc mắc về việc thời gian qua phát sinh nhiều tranh chấp dân sự liên quan đến tầng hầm ở các khu chung cư hoặc việc trổ cửa khi xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, ông Dương Đăng Huệ khẳng định: “Vấn đề nhà chung cư hiện nay rất phức tạp. Hàng trăm, hàng nghìn người dân sinh sống trong một khối nhà như vậy thì chắc chắn sẽ va vấp rất nhiều, không có luật xử lý thì rất phức tạp. Tuy nhiên Bộ luật Dân sự chỉ quy định các vấn đề chung, cơ bản chứ không thể giải quyết tất cả các vấn đề. Phải có luật về nhà chung cư hoặc luật về quản lý nhà chung cư để xử lý từ a-z, chứ không thể chơi vơi thế này mãi được”.

Phải có luật để xử lý những rắc rối trong nhà chung cư
Theo các chuyên gia, phải có luật về quản lý nhà chung cư thì mới giải quyết được tận gốc các tranh chấp hiện nay.

Dưới góc độ nghiên cứu và trực tiếp tham gia quản lý về lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi cũng thừa nhận đây là vấn đề hết sức phức tạp. Bộ luật Dân sự hiện hành đã quy định về vấn đề này nhưng không quy định về quyền sở hữu tầng hầm và quyền trổ cửa.

“Thực tế vừa qua chúng tôi nhận được nhiều khiếu nại của người dân hỏi về việc cách thức trổ cửa thế nào. Tôi cho rằng vấn đề này liên quan đến quyền sở hữu nên cần thiết phải được đề cập”- ông Khởi nói.

Về quan điểm phải có luật chuyên ngành về quản lý chung cư, ông Khởi thừa nhận: “Đúng là việc xây dựng luật về nhà chung cư hơi chậm so với những vấn đề khác. Nhưng trong giai đoạn hiện nay chúng ta vẫn đang hình thành, quá trình xây dựng nhà chung cư vẫn đang tiếp diễn nên thời điểm này chưa ra được. Nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ phải ra luật này. Rất nhiều nước có luật chung cư rồi. Thế thì bây giờ nên đưa hẳn quy định về vấn đề này ra khỏi Bộ luật Dân sự hoặc phải sửa đổi, chứ không thể giữ nguyên được”- ông Khởi nói.

Thế Kha