Phải có 5.000 - 7.000 thanh tra “canh” bữa ăn cho dân
(Dân trí) - “Cuối năm 2009, lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm có thể tăng lên 600 người, nhưng tiến tới phải có 5.000 - 7.000 người, chúng ta mới kiểm soát được tình hình”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh.
Thưa ông, chúng ta chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm ở các bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc xảy ra. Vậy tới đây, Luật an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giải quyết các vấn đề trên như thế nào?
Vấn đề chính là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra mạnh mẽ hơn các hoạt động nấu nướng tự do này.
Cụ thể, về quản lý thức ăn đường phố, sẽ phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương và giao Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp trong việc ban hành quy định quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động trên.
Cùng đó, phải có quy định quản lý an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể, trong đó quy định về cách thức chế biến, lưu mẫu, trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, bếp trưởng trong việc thực hiện quy định bảo đảm an toàn thực phẩm.
Có những ý kiến cho rằng, một số nước chỉ có một cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm nên quản lí rất tốt, trong khi chúng ta lại chủ trương giao cho nhiều ngành, dễ dẫn tới sự cồng kềnh, không hiệu quả?
Chúng ta không có nhân lực, lực lượng thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm chỉ có 12 người. Cuối năm 2009, lực lượng thanh tra này có thể tăng lên 600 người, nhưng tiến tới phải 5.000 - 7.000 người, chúng ta mới kiểm soát được tình hình.
Trước đòi hỏi của người dân, nhà nước phải bỏ tiền ra để trả lương cho lực lượng kiểm tra.
Nếu không gộp các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại các Bộ về một Bộ như một số nước đã làm, chúng ta sẽ phải giao trách nhiệm cho các Bộ như thế nào để có thể kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm?
Hướng hiện nay là giao sản phẩm cho Bộ nào quản lý, Bộ đó phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối. Chẳng hạn, với nông sản, Bộ NN&PTNT quản lý từ khâu sản xuất đến khi ra thị trường. Sản phẩm chế biến công nghiệp thì Bộ Công thương, sản phẩm dinh dưỡng, thuốc thì Bộ Y tế.
Khi đó việc truy nguyên nguồn gốc cũng dễ, bởi có người theo sát sản phẩm từ đầu đến cuối. Các Bộ cũng có vẻ ủng hộ theo phương án này.
Những vấn đề trong phạm vi địa phương, sẽ phân cấp mạnh cho địa phương, chứ Trung ương không với tay xuống nữa.
Nếu chúng ta quản lý theo chuỗi như vậy, liệu năng lực của một Bộ có thể kiểm soát đến cùng. Chẳng hạn, Bộ NN & PTNT có kiểm tra được chất lượng sản phẩm của mình ở giai đoạn trên bàn ăn?
Chúng ta phải quản lý theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kĩ thuật. Hệ thống thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường. Mỗi Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tại địa phương có khoảng 15 cán bộ, trong đó có 5 cán bộ thanh tra. Khi đó tình hình sẽ được cải thiện.
Việc thành lập thanh tra ở các địa phương như vậy sẽ làm cho bộ máy của chúng ta bị phình to?
Bây giờ Bộ NN & PTNT có 3 cán bộ thanh tra, kiểm tra, trong khi Bộ Y tế có 9, còn ở địa phương có nửa người nên chỉ có thể nghe tình hình và báo cáo. Chúng ta phải có ít nhất phải 5-7 ngàn thanh tra trong lĩnh vực này.
Kinh nghiệm từ Hunggari cho thấy, họ có 10 triệu dân, lực lượng tranh tra lên đến 3 ngàn rưỡi, Canada 33 triệu dân, thanh tra là 11 ngàn. Hiện nay chúng ta có 12 người thì như chưa làm gì cả.
Cho dù chúng ta có đến 600 thanh tra trong cuối năm nay đi nữa cũng là rất nhỏ bé so với yêu cầu. Hiện giờ chúng ta chưa có tiền và chúng ta chưa kịp đào tạo nên chúng ta đi từng bước một từ nhỏ lên.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường