1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phải bỏ thói quen tác động vào hoạt động tư pháp

(Dân trí) - Vấn đề “lòng tin vào cơ quan tư pháp” đã trở thành đề tài được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận ngày 2/11. Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ra tình trạng đưa, nhận hối lộ “chạy án” diễn ra ở ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật đã làm giảm lòng tin của nhân dân vào các cơ quan tư pháp.

Còn có “chạy án” thì không thế có lòng tin được

 

Giáo sư Trần Ngọc Đường, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề cập đến vấn đề mất lòng tin của xã hội đối với hoạt động tư pháp mà trung tâm là hoạt động xét xử. Một điều rất quan trọng đối với một Nhà nước pháp quyền.

 

Ông Đường chỉ ra lý do việc mất lòng tin của người dân vào cơ quan tư pháp có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là sự yếu kém của cơ quan bảo vệ pháp luật: “Trong pháp luật còn có tình trạng chạy án thì không thế có lòng tin được. Còn có dư luận thì đừng nói gì đến lòng tin”. 

 

Thậm chí, theo ông Đường, có sự móc ngoặc giữa luật sư, thẩm phán và kiểm sát viên để làm thay đổi bản án.

 

Một nguyên nhân nữa mà ông Đường chỉ ra là nguyên tắc thẩm phán độc lập trong xét xử không được tôn trọng. “Phải xây dựng thói quen không tác động vào cơ quan tư pháp, bất kỳ cơ quan nào, bất kỳ người đó có chức vụ cao đến đâu cũng không được tác động vào bản án, không thể chê là xử nặng hay nhẹ vì có xử đâu mà biết nặng hay nhẹ, phải xử mới biết chứ”, ông Đường nói.

 

Đưa ra lý do khách quan để giải thích cho việc dân mất lòng tin vào cơ quan tư pháp, đại biểu Trần Ngọc Đường cho rằng, do xã hội không có thói quen tôn trọng toà án nên phê phán toà án thoải mái tự do, trong đó có cả báo chí.

 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Lộc phản bác ý kiến này và cho rằng, phải nhìn vào hai mặt của vấn đề: “Không phải ngẫu nhiên mà báo chí đề cập đến vấn đề này và bản thân ngành toà án, công tố phải tự nâng cao hình ảnh mình lên”. Ông Lộc đề nghị tôn vinh cán bộ ngành tư pháp không chỉ bằng lời nói suông mà phải quan tâm đến đời sống vật chất của họ. 

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đề nghị xây dựng lộ trình xây dựng toà án hiến pháp, là nơi phán quyết cuối cùng để người dân có lòng tin vào ngành tư pháp.

 

Ngành tư pháp và nỗi lo “tình hình mới”

 

“Tình hình mới” mà báo cáo của Toà án tối cao và Viện KSND tối cao đề cập được đại biểu Nguyễn Ngọc Trân chỉ rõ là quá trình hội nhập ngày càng sâu và rộng với quốc tế. “Nói đến hội nhập là có tranh chấp, và có tranh chấp là có xét xử. Trong báo cáo của toà án và Viện kiểm sát không hề nói tới sự chuẩn bị để xử các vụ án có yếu tố nước ngoài”. Ông Trân lo lắng.

 

Đại biểu Trân băn khoăn về khả năng ngoại ngữ và năng lực chuyên môn của của đội ngũ thẩm phán: “Chúng ta sẽ chịu sự chi phối của 16 hiệp định và 600-700 qui định của WTO, vậy đội ngũ thẩm phán, luật sư được chuẩn bị thế nào để giải quyết việc này”, ông Trân đề nghị ngành Toà án và Viện kiệm sát có báo cáo bổ sung về vấn đề này.

 

Tán đồng với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Đình Lộc cho rằng gia nhập WTO không chỉ có kiến thức mà phải có đầy đủ pháp luật nữa. Và ông nhận định “pháp luật của chúng ta rõ ràng còn thiếu”.

 

Lo lắng về thực trạng án nghiêm trọng ngày càng tăng và tội phạm ngày càng trẻ, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đề nghị tổ chức một cuộc sinh hoạt giữa các đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, HĐND, mặt trận và ngành tư pháp ở các địa phương để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp thích hợp để khắc phục tình trạng này.

 

Đức Hoà