1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Phá rừng phòng hộ, đốt... lấy than

(Dân trí) - Thời gian qua, nhiều người dân ở xã Mỹ An, Mỹ Thành (huyện Tuy Phước) và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) dùng cưa máy triệt hạ những cây lớn trong rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cây Thích, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) để đốt lấy than bán.

Qua tìm hiểu, tình trạng này diễn ra không phải một vài ngày mà kéo dài từ lâu. Nhất là dịp cuối năm nhu cầu dùng than nhiều hơn nên tình trạng trên lại càng rầm rộ hơn. Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Nhiều cây gỗ to bị cưa hạ để đốt lấy than bán dịp Tết
Nhiều cây gỗ to bị cưa hạ để đốt lấy than bán dịp Tết
Các lò hầm than ngay giữa rừng nguy cơ cháy rừng rất cao
Các lò hầm than ngay giữa rừng nguy cơ cháy rừng rất cao

Theo dẫn đường của một người dân địa phương, chúng tôi tìm đến khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Cây Thích để tận mắt chứng kiến việc chặt phá gỗ rừng lấy gỗ hầm than. Theo quan sát, từ bìa rừng những lối mòn đã được phát dọn để tiện cho việc đi lại khai thác chặt phá rừng. Tiếp tục đi sâu vào khu vực núi có tục danh hố Cây Xoài thì phát hiện nhiều cây gỗ có đường kính 20-25 cm bị triệt hạ.

Đặc biệt, dọc trên đường đi chúng tôi còn phát hiện nhiều lò hầm than ngay trong rừng. Mỗi lò hầm than có chiều sâu khoảng 1,2 m; rộng và dài 2 m; chứa được khoảng 2 m3 gỗ. Trong đó, có hầm than đã chín được người dân thu gom và vận chuyển xuống xuôi tiêu thụ. Có hầm vẫn đang cháy âm ỉ, bên cạnh còn có nhiều khúc gỗ to cưa từng khúc ngắn chừng 1m được tập kết ngay của lò chờ đốt.

Nhiều cây gỗ đường kính 20-30cm bị cưa sát gốc
Nhiều cây gỗ đường kính 20-30cm bị cưa sát gốc
Rồi tập kết trước cửa lò
Rồi tập kết trước cửa lò

 
Theo anh N.X.H, một người dân địa phương cho biết, tình trạng phá rừng đốt than diễn ra âm ỉ từ vài năm nay. Sau một thời gian tạm lắng, đến khoảng giữa tháng 7/2013 đến nay tình trạng người dân vào rừng cưa gỗ đốt lấy than lại rộ lên. Mỗi ngày có cả 15-20 người chủ yếu là dân ở các xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), xã Phước Thành và xã Phước An (Tuy Phước) vào rừng chặt gỗ hầm than.

Anh H chia sẻ thêm: “Hiện nay, cây trắc đang có giá nên nhiều người đổ xô vào khu vực xung quanh lòng hồ Cây Thích tìm kiếm khai thác thân, gốc và rễ trắc. Việc chặt phá rừng như hiện nay không chỉ ảnh đến hệ sinh thái, môi trường mà còn ảnh hưởng đến nguồn cung ứng nước tưới tiêu cho ruộng đồng của bà con”.

Theo ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, từ đầu năm đến nay, địa phương phối hợp với kiểm lâm đứng trên địa bàn phối hợp tuần tra, truy quét đã ngăn chặn được 3 vụ phá rừng, chủ yếu là phá hủy các hầm than, tịch thu tang vật.

Trước tình trạng người dân phá rừng công khai lấy gỗ hầm than, ông Đạt chia sẻ thêm: “Rất khó phát hiện các đối tượng phá rừng đốt than vì các đối tượng này hoạt động rất tinh vi. Họ cử người theo dõi, thấy động là điện thoại tẩu tán tang vật ngay. Hơn nữa, từ cuối tháng 10/2013 đến nay, do một đồng chí kiểm lâm đứng chân địa bàn vừa nghỉ hưu, nên ảnh hưởng đến việc phối hợp tuần tra, truy quét lâm tặc”.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Anh Nguyên, Hạt trưởng Hạt KL liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn, cho biết: “Thời gian qua, tình trạng người dân lén lút chặt phá rừng đốt than ở khu vực hồ Cây Thích khá phức tạp. Trong thời gian tới, Hạt sẽ đề nghị Chi cục tăng cường lực lượng và phương tiện để bảo vệ, quản lý rừng. Đồng thời, mở rộng các đợt tuần tra, truy quét, kiên quyết xử lý đối tượng vi phạm”.

Được biết, trong năm 2013, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Phước - Quy Nhơn phối hợp với UBND các xã Phước Mỹ, Phước Hòa, Phước An và Phước Thành tổ chức kiểm tra, truy quét 13 đợt, lập biên bản phá hủy tại rừng 18 lò than đang hoạt động trái phép; 12 lán trại, 4.500 kg than hầm…

Doãn Công