1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phá rừng, đào vàng trong vùng lõi rừng nguyên sinh

(Dân trí) - Tình trạng phá rừng và đào vàng trong Vườn quốc gia Bạch Mã, tỉnh TT-Huế đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ phá hoại vùng đệm bên ngoài, các đối tượng đã đột nhập được vào vùng lõi phía trung tâm để khai thác trái phép rừng nguyên sinh.

Tìm đường vào vùng lõi Vườn quốc gia

Người dân phản ánh, lâu nay đang có những đối tượng hoạt động ngầm trái phép trong Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã. Điều đặc biệt, các đối tượng không chỉ "tấn công" vùng đệm như trước đây mà vào sâu trong vùng lõi rừng - nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Khu vực đang bị xâm hại là vùng khe Mù thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
Ngày 15/8, nhóm phóng viên chúng tôi cải trang làm khách du lịch, giấu kỹ các phương tiện tác nghiệp, thuê xe chạy vào khu vực VQG Bạch Mã.

Để vào rừng chỉ có thể qua con đường độc đạo qua hồ, với nhiều “tai mắt” của lâm tặc cảnh giới. Một người địa phương thông thạo đường tình nguyện dẫn chúng tôi đi. Anh cho biết sau khi thuyền cập bến phía bìa rừng, phải đi bộ gần 8km đường rừng mới đến được nơi các đối tượng đang tập trung phá rừn, khai thác vàng.

“Các đối tượng trên hành động rất cẩn thận. Họ không sử dụng các máy móc gây tiếng động lớn mà dùng sức người. Chỉ cần thấy có người lạ ra vào khu vực là "nằm yên". Khi nào thấy an toàn mới tiếp tục khai thác” - người dẫn đường cho hay.

Cấm cũng... như không!

Vừa bước chân vào khu rừng, đập vào mắt chúng tôi là tấm biển báo bị bẻ cong và rỉ sét mang nội dung: “Cấm chặt cây phá rừng”, phía trên còn một tấm biển nữa: “Cấm chăn thả gia súc trong rừng”. Biển cấm nằm ngay bìa rừng nhưng càng vào sâu càng thấy la liệt những cây lớn hơn 2 người ôm chỉ còn trơ lại gốc. Vết cắt phẳng lì. 

Một thân cây lớn mới bị đốn hạ không lâu
Một thân cây lớn mới bị đốn hạ không lâu

Một thân cây lớn mới bị đốn hạ không lâu

Một thân cây lớn mới bị đốn hạ không lâu

Tiếp tục đi sâu vào trong, chúng tôi chứng kiến những thân cây gỗ nằm ngổn ngang. Nhiều cây đã được xẻ thành những súc gỗ vuông vắn. Dấu vết mùn cưa, vụn gỗ còn rất mới. Các cây hàng trăm năm tuổi rất có giá trị đã bị chặt hại không thương tiếc.

Những súc gỗ được cắt gọn gẽ chờ thời cơ thuận tiện là vận chuyển ra khỏi vùng lõi của VQG Bạch Mã
Những súc gỗ được cắt gọn gẽ chờ thời cơ thuận tiện là vận chuyển ra khỏi vùng lõi của VQG Bạch Mã

Những súc gỗ được cắt gọn gẽ chờ thời cơ thuận tiện là vận chuyển ra khỏi vùng lõi của VQG Bạch Mã


Người dẫn đường cho biết: “Ngoài dấu vết của việc chặt phá từ mùa mưa năm ngoái thì những dấu vết tại hiện trường cho thấy một số cây gỗ bị chặt còn mới. Hiện tại, chưa phải mùa mưa nên bọn họ không đem số gỗ này ra khỏi rừng được. Phải chờ đến vài tháng nữa”. Tiếp tục băng rừng, qua những khe suối với đầy đá, nước chảy yếu do đang mùa khô. Rồi tiếp tục đi lên cao, chỉ vào con đường leo lên đỉnh Đằm Cỏ có độ cao khoảng 800 mét, người dẫn đường nói: “Đây là con đường bọn họ sử dụng để vận chuyển gỗ và đi lại”.

Theo quan sát của chúng tôi. Con đường rất dốc đến hơn 50 độ. Phía cuối đường dốc là một cái hố rộng 4m, sâu 1m để hứng gỗ lăn từ trên xuống. Đoạn đường dốc rộng 2m gần như chỉ toàn đá và sỏi, Vì thường xuyên lăn gỗ từ trên đỉnh xuống nên không hề có cây nào mọc ở giữa đường chặn đà lăn.


Vì nằm trong vùng lõi của vườn quốc gia, nên các cây gỗ bị chặt thuộc dạng "tuyển chọn" - có nghĩa là phải đẹp và quý. Số lượng cây bị chặt tuy không quá nhiều nhưng đều là những cây "xứng đáng". Bởi vào được đây không phải là dễ nên lâm tặc phải "cân nhắc, chọn lựa" để "xử" những cây đẹp nhất trước.

Những thân gỗ lớn đã được tuồn ra bên ngoài như thế nào, và qua mặt cơ quan chức năng ra sao vẫn là một dấu hỏi? Ngay trong vùng lõi của vườn quốc gia với sự bảo vệ cẩn mật của kiểm lâm rừng, nhưng gỗ vẫn bị chặt chứng tỏ lâm tặc rất khôn ngoan, tìm mọi cách để ẩn mình, lộng hành. Hay phải chăng, có sự “lỏng tay” của lực lượng chức năng?

Vườn quốc gia Bạch Mã được thành lập vào năm 1991 có diện tích 37.487 hecta thuộc 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế (34.380 hecta) và Quảng Nam (3.107 hecta). Đây là VQG đứng thứ 12 về diện tích trong số 30 VQG trên cả nước. Trước đây, khi chưa trở thành vườn quốc gia và hiện nay, thì vùng này đã nổi tiếng với sự đa dạng của tài nguyên động – thực vật quý hiếm.

Đặc biệt, vùng lõi của vườn là rừng nguyên sinh có nhiều loài đặc hữu không chỉ có giá trị tại Việt Nam mà đã được ghi nhận trên thế giới. Riêng các loài cây quý thuộc rừng nguyên sinh vẫn còn nhiều như Chò, Ươi, Sâng, Kiềng Kiềng… là “đích ngắm” cho nhiều lâm tặc.

(Còn tiếp)

Anh Việt - Đại Dương