Phá nhà sàn để bán gỗ trắc
(Dân trí) - Thời gian qua, ở Kon Tum rộ lên tình trạng tư thương đổ xô đi tìm mua bán, trao đổi nhà sàn cổ trong vùng đồng bào dân tộc để lấy gỗ trắc. Văn hoá nhà sàn cổ ở Kon Tum đang có nguy cơ “chảy máu” chỉ vì cơn sốt gỗ trắc.
Chủ tịch UBND xã Ia Chim (thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum) Phạm Lập đưa chúng tôi đến làng Klâu Klă, gặp ông A Hyip, người dân tộc Gia Rai. Ông A Hyip vừa dỡ ngôi nhà sàn đang ở của mình để lấy 15 cây cột gỗ trắc bán cho tư thương. A Hyip phân trần: “Thực ra mình cũng chưa muốn bán đâu. Nhưng một tư thương trong xã cứ đến gặp mình nhiều lần để hỏi mua, lúc đầu họ trả mình 60 triệu đồng/15 cột gỗ trắc; mình chần chừ hôm sau họ trả lên 80 triệu và hôm sau nữa trả lên 100 triệu đồng”.
Ông A Hyip mô tả, 15 cột gỗ trắc của nhà ông, mỗi cột có độ dài chừng 5m, đường kính gốc khoảng 30cm, phần ngọn chừng 25cm. Dỡ nhà sàn rồi, vợ chồng ông về ở ngôi nhà trệt cấp 4 của đứa con đầu. Tiền bán gỗ trắc ông dùng mua máy tuốt lúa, xe máy. Chờ mùa thu hoạch tới, ông sẽ làm lại nhà sàn cột... bê tông (!). Ông A Hyip bảo, ở nhà sàn quen rồi, ở nhà trệt không ngủ được!
Cũng tại làng Klâu Klă, chúng tôi đến nhà ông A Đức, người cũng vừa dỡ nhà lấy 13 cột gỗ trắc để đổi lấy một nhà sàn cột bê tông và một nhà xây cấp 4 bên cạnh.
Hỏi chuyện một vài người dân tộc Gia Rai, Rơ Ngao đã chấp nhận phá nhà sàn, lấy gỗ trắc bán cho tư thương, đều nhận được câu trả lời” “Rất thích ở nhà sàn. Nhưng vì người ta trả giá cao quá nên đồng ý bán”. Hỏi: Có làm lại nhà sàn không? Trả lời: Nhất định phải làm lại nhà sàn cột bê tông thôi!
Vài năm trở lại đây, nhà sàn cổ đang dần vắng bóng trên địa bàn. Ông A Hyip nhẩm tính, toàn làng Klâu Klă có 100 gia đình thì chừng 50% số đó ở nhà sàn nói chung, còn nhà sàn cổ làm bằng chất liệu truyền thống (mái tranh, cột gỗ, sàn ván...) thì chỉ còn rất ít.
Không chỉ tháo dỡ nhà sàn cổ, người dân còn dỡ cả những cây cột hàng rào xung quanh vườn, cột làm chuồng gia súc đem ra bán vì chúng đều là gỗ trắc, không bán sớm thì cũng bị trộm vào lấy mất. Rất nhiều gia đình trên địa bàn xã lúc đầu bị mất hàng rào mà không nghĩ ra nguyên nhân.
Bây giờ vào bản thấy toàn nhà sàn cột bê tông, hàng rào đóng cọc bê tông, chăng thép gai,... Như thành phố!
Một người đã nhiều năm mua bán gỗ trắc tại làng Plei Sar cho biết, bình quân một cân gỗ trắc dao động từ 15-50.000 đồng, tuỳ vào chất lượng lõi gỗ. Nếu không sành gỗ thì rất dễ bị nhầm, khi mua tưởng gỗ trắc, về nhà mới biết là gỗ hương.
Chủ tịch xã Phạm Lập cho biết, thống kê bước đầu của xã đã có 6/11 làng diễn ra tình trạng mua bán, đổi chác gỗ trắc. Việc này xã có biết và đã tổ chức vận động, giải thích cho nhân dân hiểu nhưng vì gỗ trắc giá trị quá cao nên dân rất khó từ chối.
Cứ đà này, liệu có một lúc nào đó, nhà sàn cổ ở Kon Tum sẽ bị “diệt vong”? Ngày ấy có thể không xa, nếu như ngay từ bây giờ không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền.
Đ. Hoà