Phá 2 BV lớn để làm dự án thương mại du lịch
Bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc và Bệnh viện Điều dưỡng Vĩnh Phúc bị phá bỏ để nhường đất cho doanh nghiệp làm thương mại - du lịch.
Theo TTXVN, Bệnh viện Y học cổ truyền Vĩnh Phúc và Bệnh viện Điều dưỡng Vĩnh Phúc nằm ở địa thế sát Đầm Vạc trên diện tích gần 40.000 m2 là điều kiện lý tưởng để nghỉ dưỡng và điều trị bệnh.
Hai bệnh viện này được đầu tư xây dựng và khai thác từ những năm 60 của thế kỷ trước với gần 300 giường bệnh; mỗi năm điều trị cho 2.000 lượt bệnh nhân, trong đó có tới 900 bệnh nhân nằm điều trị nội trú; cả hai lại đang bị phá bỏ.
Tại đây, ngoài khám chữa bệnh còn lưu giữ nguồn gien của gần 300 loài dược liệu quý phải chăm chút nhiều năm mới có được. Hiện ngành y tế đang phải gấp rút di dời 2 bệnh viện này để trả đất cho một doanh nghiệp lập dự án khai thác làm thương mại du lịch; trong khi ngành đang có dự định lấy cơ sở vật chất hiện có để sử dụng cho Bệnh viện phụ sản đã được thành lập từ 2009 nhưng đang phải nương nhờ tại bệnh viện Tỉnh.
Điều đáng nói là, đến thời điểm này, lãnh đạo ngành y tế vẫn không biết đất bị thu hồi giao cho doanh nghiệp nào và sử dụng vào mục đích gì và cũng không nhận được bất kỳ một quyết định thu hồi đất, phương án chi trả tiền đền bù nào. Đến đầu năm 2011, hai bệnh viện sẽ phải phá rỡ di chuyển đi nơi khác.
Hiện tại, hàng loạt cây cổ thụ trong khuôn viên hai bệnh viện đang được chặt, đào gốc khởi đầu cho việc phá 2 cơ sở khám chữa bệnh để trả đất cho doanh nghiệp.
Hiện nay, ở Vĩnh Phúc nhiều doanh nghiệp mượn cớ lập dự án để chiếm đất nhằm mục đích kinh doanh bất động sản. Nguồn tài chính mà các doanh nghiệp này thực hiện các dự án theo cách quen thuộc là “ lấy mỡ dự án rán dự án”.
Lợi ích thu được hoàn toàn phục vụ cho một nhóm người, người dân bị thu hồi đất không có cơ hội để được hưởng lợi từ các dự án này. Một doanh nghiệp nằm kề dự án nói trên là công ty Sông Hồng Thủ Đô đang sở hữu nhiều dự án bên bờ Đầm Vạc và cũng đang phân lô giao bán đất công khai trên mạng bất động sản.
Cứ 1 nền biệt thự rộng từ 242 m2 đến hơn 300 m2 bán với giá từ 2 tỷ đến gần 5 tỷ đồng, chưa kể việc xây dựng phần thô không dưới 2 tỷ đồng; doanh nghiệp chỉ cần đền bù tối đa 100 triệu/sào đất nông nghiệp nhưng đã bán ra với giá từ 7 triệu đến 15 triệu/m2 trên giấy trong khi mới chỉ san lấp mặt bằng ( mà không hề tổ chức đấu giá).
Theo báo cáo, để xây dựng mới 2 bệnh viên, ngành y tế phải rót gần 200 tỷ đồng mà lẽ ra có thể dùng để đầu tư chiều sâu nâng cấp trang thiết bị hoặc xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh mới nếu không phải di dời trả đất cho doanh nghiệp làm dự án.
Chưa kể đến việc phá bỏ nhiều nhà cao tầng, nhà kiên cố của 2 bệnh viện này sẽ là một sự lãng phí lớn cần phải được tính đến cũng như môi trường sinh thái bị huỷ hoại mà lợi ích trước mắt cũng như lâu dài chưa có thể nhìn thấy.
Sau hai bệnh viện lớn bị phá nhường đất cho dự án, sắp tới Chi Cục thủy sản Vĩnh Phúc rộng vài ha và hàng trăm hộ dân nằm sát Đầm Vạc cũng phải di dời trả đất cho một dự án là làm thương mại du lịch.
Theo Lao động/TTXVN