PGĐ Sở VH-TT-DL nói gì sau phát biểu “không đọc sách báo”?
(Dân trí) - Xung quanh câu chuyện Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Đắk Nông - Lê Khắc Ghi “không hề đọc sách, báo” gây xôn xao dư luận mấy ngày qua, chiều ngày 29/8, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi thêm với ông Ghi.
Tại buổi họp hôm đó, ông có một bài phát biểu dài 15 đến 20 phút liên quan đến việc cấp sách báo tại địa phương, chứ không phải phát biểu chuyện “đọc hay không đọc”.
Ông Ghi cho rằng, tại địa bàn tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc anh em khác nhau, trong đó đồng bào dân tộc tại chỗ gồm: M’nông, Mạ, Ê-đê. Cho nên thói quen văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc sinh sống tại Đắk Nông không phải là văn hóa đọc, mà là văn hóa nghe, văn hóa dân gian, văn hóa truyền miệng. Không những thế, văn hóa đọc nay lại bị lấn át thêm bởi văn hóa mới là truyền hình, báo mạng, internet, đài phát thanh, điện thoại di động… Cho nên, đa phần học sinh, giới trẻ, người dân tại địa phương thường xem các chương trình truyền hình, đọc báo mạng, truy cập internet nhiều hơn. Chính điều này đã ảnh hưởng đến việc cấp sách, báo cho bà con địa phương, người đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Nông.
Đối với đồng bào như thế, ông Ghi cho rằng việc cấp phát sách báo, tạp chí cần phải ngắn gọn, dễ hiểu, trực quan và đa dạng nguồn. Ngoài ra cần trang bị kệ sách, có chỗ để báo cho người đồng bào xem và đọc. Bên cạnh việc cấp phát các ấn phẩm báo chí, cần phải có các điểm internet để phục vụ người dân.
Thưa ông, mới đây báo chí đã đưa tin lời phát biểu của ông: “…những năm gần đây, nói thật tôi không đọc, sách khoa học cũng không chứ đừng nói gì đến báo chí…”. Điều này có nghĩa là những năm gần đây ông không quan tâm đến tình hình thời sự của nước nhà cũng như lĩnh vực mà mình phụ trách?
Như tôi đã nói, với văn hóa đọc bây giờ, các loại hình sách báo in hết sức khó khăn cho người đọc. Vì bây giờ thông tin trên mạng rất sẵn, khi ta đọc, ta khai thác trên mạng, rất thuận tiện.
Như bản thân tôi, máy ở cơ quan kết nối internet, điện thoại di động kết nối internet, iPad hiện giờ cũng kết nối internet. Những thông số đó nếu như kiểm tra thì cũng rất dễ thôi, Bưu điện xem thử ông Lê Khắc Ghi hàng tháng đọc báo hết bao nhiêu tiền là có trên mạng hết.
Xem đài truyền hình, nghe radio cũng hết sức thông thường với tôi. Kể cả bây giờ tôi chứng minh, lấy cái máy di động mở ra, thu các chương trình radio như các chương trình văn nghệ hết sức phong phú, ngâm thơ, đọc truyện… đều có hết!
Tủ sách cá nhân của tôi đây, mời xem thử, có các loại sách khoa học. Số này thì đọc rồi! Nhưng mua mới thì cũng hơi đắt. Tôi đọc trên mạng tiện hơn, đi đâu cũng mang theo được.
Nếu như vậy thì lý do gì mà trong cuộc họp hôm đó, ông lại phát biểu “…những năm gần đây, nói thật tôi không đọc, sách khoa học cũng không chứ đừng nói gì đến báo chí…”?
Tại vì nói trong ngữ cảnh, để giải thích thêm cho câu nói của tôi, cho các ý mà tôi đã viết trong sổ họp. Ý nói là người đọc bây giờ họ lười đọc sách, báo in vì có sẵn trên mạng rồi! Bản thân tôi cũng vậy thôi, thì lúc trước, vài năm trước thì một tháng có một vài số báo đặt, mua; rồi sách cũng mua được vài cuốn hoặc không có thì mượn của thư viện đọc. Chứ bây giờ nguồn thông tin có sẵn ở trên mạng, hết sức phong phú, cứ bật lên là có!
Cho nên ý nói là muốn nói đến việc đó, chứ không phải là không đọc sách báo! Đọc cũng có nhiều loại đọc chứ, đọc báo điện tử, đọc báo in, rồi xem đài truyền hình cũng là xem báo mà!
Ông có cho rằng hiện nay một bộ phận công chức không có văn hóa đọc, lười đọc?
Văn hóa đọc thì đương nhiên lúc nào cũng có. Nhưng văn hóa đọc báo in thì ít. So với ngày xưa thì bây giờ có nhiều người nói cả năm hầu như không mua báo.
Sau lời phát biểu "không đọc sách báo" của ông, dư luận đang nghi ngờ về trình độ văn hóa cũng như năng lực quản lý của ông?
Độc giả họ có quyền bình luận. Tuy nhiên đôi lúc một bài báo cũng chưa nói hết được vấn đề. Chứ bản thân tôi nói không phải khoe, tôi đã học qua 2 bằng đại học: Ngữ văn - Đại học hành chính quốc gia, sau đó học Cao cấp lý luận chính trị, rồi sau đó tôi học thạc sĩ về Văn hóa học ở Viện nghiên cứu Văn hóa Hà Nội, bây giờ tôi đang làm Nghiên cứu sinh tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Một người như thế không thể không đọc được! Đúng không? Tôi mà không đọc thì không đi học được nhiều như vậy!
Còn năng lực thì tùy theo mỗi người, mỗi năm tôi đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, làm việc gì cũng cần mẫn, cũng đem hết sức mình để cống hiến.
Những ngày qua ông có chịu áp lực sau khi lời phát biểu của mình được được đăng trên báo?
Tôi thấy một thông tin khi được đưa ra phản ánh trên báo chí phải xác thực, người phản ánh phải trung thực; khi đưa ra một thông tin phải có đầu, có cuối, phải có trước có sau, phải có những ý chính và ý giảng giải, chứ chỉ phản ánh không như thế thì không đầy đủ.
Xin cảm ơn ông!
Thủy Nguyên (thực hiện)