1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Nông:

PCT huyện Đắk Mil: “Ai phản đối xây tượng đài chắc là người... Đắk Mil lai (!)”

(Dân trí) - Việc di dời biểu trưng trị giá 3,6 tỷ đồng để xây dựng tượng đài gần 12 tỷ đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Ngay sau đó, UBND huyện Đắk Mil ra văn bản kêu gọi xã hội hóa, tiếp tục nhận sự phản đối của người dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, ai phản đối xây tượng đài là những người muốn huyện lạc hậu, thụt lùi!

Ngày 19/4, báo Dân trí có bài phản ánh việc UNBD huyện Đắk Mil cho di dời công trình biểu trưng trị giá 3,6 tỷ đồng để xây dựng một tượng đài gần 12 tỷ đồng. Nguyên nhân là công trình biểu trưng được xây dựng và bàn giao từ năm 2012 được cho là sao chép ý tưởng từ một công trình khác tại TPHCM.

Sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cũng kết luận, đây là công trình sao chép, không thể hiện được hình ảnh của địa phương nên đầu tháng 4/2019 đã di dời vào một góc công viên, nhường chỗ để xây dựng tượng đài “Chiến thắng Đức Lập”.

Nhiều ý của người dân cho rằng, việc xây dựng một tượng đài mới tại vị trí trên là không hợp lý, gây lãng phí cho ngân sách và không phục vụ cho sự phát triển của địa phương.

PCT huyện Đắk Mil: “Ai phản đối xây tượng đài chắc là người... Đắk Mil lai (!)” - 1
Biểu trưng hình cánh chim nằm ngay trung tâm huyện Đắk Mil

Tiếp đó, giữa tháng 5/2019, UBND huyện Đắk Mil đã gửi thư kêu gọi sự đóng góp của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cùng các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện, lấy vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng tượng đài.

Thư kêu gọi có nội dung: “Việc xây dựng tượng đài Chiến thắng Đức Lập là thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, thể hiện lòng tri ân của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Đắk Mil đối với những cán bộ, chiến sỹ, đồng chí, đồng bào đã cống hiến máu xương, công sức để có chiến thắng Đức Lập ngày 9/3/1975... Khi công trình được đưa vào sử dụng sẽ là điểm nhấn cho cảnh đô thị mới Đức Lập trong tương lai, đồng thời thể hiện một công trình văn hóa, lịch sử của huyện”.

Thư kêu gọi xây dựng tượng đài cũng nêu rõ, đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, cán bộ sĩ quan, hạ sĩ quan lực lượng vũ trang trong các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện huy động ủng hộ 1 ngày lương. Việc huy động này diễn ra trong hai năm 2019 và 2020.

PCT huyện Đắk Mil: “Ai phản đối xây tượng đài chắc là người... Đắk Mil lai (!)” - 2

Sau 6 năm tồn tại, biêu trưng này được dỡ bỏ, dự kiến nhường chỗ cho tượng đài

Ngay sau khi thư kêu gọi này được phát đi, nhiều người đã lên tiếng, tiếp tục phản đối chủ trương của UBND huyện Đắk Mil.

Chị T.T.T (trú TT. Đắk Mil, huyện Đắk Mil) cho biết, ngay từ khi biết huyện có chủ trương xây dựng tượng đài, người dân đã có ý phản đối, bởi nó rất lãng phí và không phục vụ bà con nhân dân. Bây giờ, huyện lại ra thư kêu gọi đóng góp xã hội hóa để xây tượng đài, nhiều người lại càng không đồng ý hơn.

“Gọi là xã hội hóa, tự nguyện đóng góp, nhưng ai cũng hiểu, cán bộ viên chức như chúng tôi là bắt buộc phải đóng, không có chuyện không thích thì không đóng”, chị T. cho hay.

PCT huyện Đắk Mil: “Ai phản đối xây tượng đài chắc là người... Đắk Mil lai (!)” - 3
Biểu trưng trị giá gần 3,6 tỷ được đưa về một góc hoa viên để trưng bày

Tương tự, một lái xe trên địa bàn huyện Đắk Mil cũng khẳng định, anh sẽ không đóng góp xây dựng tượng đài, bởi nó không giúp cuộc sống của anh và nhiều người khác khá hơn.

“Công trình trước đã phải mang đi chỗ khác, ai chắc chắn rằng đời lãnh đạo sau lại không xây dựng một công trình tượng đài khác... vì công trình tượng đài sắp tới không phù hợp? Cứ xây lại đập thì bao nhiêu tiền cho đủ!”, anh này bày tỏ quan điểm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, việc xây dựng tượng đài là nghị quyết của toàn Đảng bộ, đều công khai và trưng cầu ý kiến của người dân và đúng quy trình. Đối với những người không biết về việc xây dựng tượng đài là những người không có trách nhiệm vì địa phương đã làm nhiều biện pháp để phổ biến đến người dân.

PCT huyện Đắk Mil: “Ai phản đối xây tượng đài chắc là người... Đắk Mil lai (!)” - 4
Phác họa tượng đài trị giá 11 tỷ sắp được xây dựng tại Đắk Mil

“Công trình 11 tỷ không phải là lớn, nếu so ra thì chưa ngang tầm với huyện bởi trong năm nay đầu tư cho hạ tầng của huyện đã 70-80 tỷ... Công trình này là cần thiết để chỉnh trang đô thị, để đưa thị trấn từng bước lên thị xã. Ngay bên Gia Lai, cứ mỗi ngã tư, bùng binh, lại dựng một tượng đài lớn hay nhỏ, hệ thống đèn điện, cổng chào rất đô thị. Chính vì thế, thị trấn Đắk Mil là trung tâm văn hóa, chính trị của huyện nên phải đầu tư nhiều hơn”, ông Hải viện dẫn.

Lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil cũng cho biết, kinh phí xây dựng tượng đài là từ ngân sách địa phương và các nguồn khác, trong đó có nguồn xã hội hóa. Việc vận động xã hội hóa cũng là để giáo dục cho người dân, chứ không đặt nặng vấn đề kinh phí.

“Huyện đã có những chính sách quan tâm đến cơ sở vật chất, hạ tầng, các đối tượng chính sách song vẫn còn nhiều nơi khó khăn. Việc xây tượng đài là cái lợi cho địa phương. Những người phản đối xây dựng tượng đài chắc không phải là người Đắk Mil hoặc Đắk Mil lai, họ cố kéo Đắk Mil trở về lạc hậu, thụt lùi”, ông Hải nói gay gắt.

Nhiều người không biết về Di tích lịch sử Quốc gia

Trả lời câu hỏi, nhiều người dân trên địa phương vẫn không biết về sự tồn tại và ý nghĩa của Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nhà ngục Đắk Mil, mặc dù đây là công trình gắn với lịch sử đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, ông Hải cho biết: “đây là trách nhiệm của người dân”.

“Đây là cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có trách nhiệm của Sở VHTT-DL.Vì Nhà ngục Đắk Mil là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nên thuộc quản lý của sở, của bảo tàng. Ở huyện, mỗi lần có đoàn khách muốn tham quan đều phải xin phép ở trên mới được mở cửa vào. Đắk Mil có trách nhiệm giáo dục truyền thống nhưng không có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ, vận hành và khai thác”, ông Hải cho hay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cũng khẳng định, sẽ kiến nghị với cơ quan chức năng để thay đổi cơ chế, cho huyện một chìa khóa, để khi có khách có thể tự mở cửa, giới thiệu cho mọi người.

Dương Phong