Đắk Nông:

Biểu trưng 3,6 tỷ "dính" nghi án sao chép được thay thế bằng tượng đài 11 tỷ

(Dân trí) - Sau 6 năm nằm tại trung tâm huyện Đắk Mil, biểu trưng về sự đoàn kết, cất cánh của huyện này được di dời vào một góc hoa viên để nhường chỗ cho một công trình tượng đài khác. Thông tin biểu trưng từng là bản “sao chép” của một công trình khác tại TPHCM sẽ được thay thế bằng tượng đài đang gây xôn xao dư luận địa phương.

 

Biểu trưng gần 3,6 tỷ được thay thế bằng tượng đài hơn 11 tỷ

Ngày 7/6/2012, UBND huyện Đắk Mil đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-UBND để phê duyệt dự án xây dựng công trình “Vòng xuyến ngã 5 thị trấn Đắk Mil”. Theo đó, dự án gồm có các hạng mục cơ bản là móng, nền và biểu trưng vòng xoay; tổng kinh phí đầu tư là gần 3,6 tỷ đồng trích từ ngân sách Nhà nước huyện.

Biểu trưng 3,6 tỷ dính nghi án sao chép được thay thế bằng tượng đài 11 tỷ - 1
Biểu trưng hình cánh chim nằm ngay trung tâm huyện Đắk Mil

Công trình này do Đội Quản lý đô thị huyện Đắk Mil làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng Tầm Cao Việt (TP.Hồ Chí Minh). Đến tháng 12/2012, dự án đã hoàn thành và đưa vào trưng bày tại nút giao thông ngã 5 thị trấn Đắk Mil.

Tuy nhiên, thời điểm đó, việc xây dựng biểu trưng lại không được UBND huyện Đắk Mil tiến hành các thủ tục xin cấp phép của các cơ quan chức năng. Ngay khi hoàn thành, rất nhiều người cho rằng công trình biểu trưng của huyện Đắk Mil đã được sao chép lại từ mô hình biểu trưng tại Công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). 

Biểu trưng 3,6 tỷ dính nghi án sao chép được thay thế bằng tượng đài 11 tỷ - 2

Biểu trưng 3,6 tỷ được cho là đã sao chép ý tưởng của một công trình khác ở TPHCM.

Sau đó, cơ quan chức năng cũng kết luận, đây là công trình sao chép, chưa xin phép tác giả, UBND huyện Đắk Mil phải mua bản quyền nếu muốn tiếp tục để công trình tại vị trí cũ.

Theo lãnh đạo huyện Đắk Mil, chủ trương xây dựng tượng đài là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương và tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, công trình biểu trưng được đưa vào sử dụng cuối năm 2012 không đáp ứng được các nhu cầu trên, nên trong những năm qua, địa phương nỗ lực hoàn tất các thủ tục để xây dựng một tượng đài mới.

Biểu trưng 3,6 tỷ dính nghi án sao chép được thay thế bằng tượng đài 11 tỷ - 3

Sau 6 năm tồn tại, biểu trưng dính nghi án sao chép đã bị di dời.

Ngày 4/4/2019, sau hơn 6 năm nằm tại trung tâm huyện Đắk Mil, công trình biểu trưng bằng kim loại chính thức bị dỡ bỏ để lấy mặt bằng xây dựng tượng đài. Sau khi bị tháo dỡ, “cánh chim sắt” đã được đưa về hoa viên Hồ Tây (TT. Đắk Mil, huyện Đắk Mil) để trưng bày.

Ông Ngô Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, biểu trưng này giống như hình các ngón tay đan vào nhau, thể hiện sự đoàn kết của người dân. Biểu trưng cũng mô phỏng cánh chim đang cất cánh, tượng trưng cho sự phát triển.

“Đó cũng là một công trình nghệ thuật, nhưng nó không có ý nghĩa, nên phải rời xuống bờ hồ, đồng thời chọn một biểu tượng, tượng đài khác. Đầu năm 2019, khi chọn được phác thảo tượng đài, được cơ quan chức năng phê duyệt, địa phương đã di dời và lắp đặt biểu trưng tại hoa viên để người dân thưởng thức và tiến hành thi công tượng đài. Tượng đài mới sắp xây dựng mang tên “Chiến thắng Đức Lập”, có tổng kinh phí dự toán là khoảng 11,5 tỷ đồng”, ông Hải cho biết.

Biểu trưng 3,6 tỷ dính nghi án sao chép được thay thế bằng tượng đài 11 tỷ - 4

Di dời biểu trưng, nhường vị trí cho công trình tượng đài.

Chứng kiến công trình từng tồn tại 6 năm được tháo dỡ để thay thế bằng một công trình khác, nhiều người dân trên địa bàn huyện Đắk Mil tỏ ra bất ngờ.

“Ngày trước người dân cũng nghe nói biểu tượng là đi sao chép ý tưởng của TP.HCM nên cũng có ý kiến, thế nhưng nó vẫn nằm đó được hơn 6 năm. Hôm nay có dịp lên huyện làm giấy tờ thì mới thấy nó đã bị di dời để xây tượng tài. Cũng lãng phí vì công trình mấy tỷ đồng lại không có ý nghĩa. Hy vọng tượng đài sắp tới sẽ có giá trị hơn”, ông Đ.Q.V., ngụ xã Đức Minh, huyện Đắk Mil cho biết.

Tương tự, ông N.M.H. (ngụ TT. Đắk Mil) cũng tỏ ra tiếc nuối vì công trình biểu trưng không phát huy được tác dụng. Ông H. cũng nghi ngại việc tượng đài sắp xây liệu có mang lại những ý nghĩa như kỳ vọng, khi số tiền bỏ ra khá lớn?

Biểu trưng 3,6 tỷ dính nghi án sao chép được thay thế bằng tượng đài 11 tỷ - 5
Biểu trưng trị giá gần 3,6 tỷ được đưa về một góc hoa viên để trưng bày

“Đến ngay cả chúng tôi sống ở thị trấn này cũng không biết là sắp xây tượng đài. Chỉ biết họ phá mấy thanh sắt cũ đi chứ không biết họ làm gì ở đó. Nếu sau này xây dựng lên, không phổ biến cho bà con nhân dân, thì chắc nhiều người cũng không biết đấy là gì và có ý nghĩa như thế nào”, ông H.cho hay.

Lý giải về những ý kiến của người dân xung quanh việc xây dựng tượng đài, PCT UBND huyện Đắk Mil khẳng định, đây là công trình thể hiện được tinh hoa văn hóa và bản sắc truyền thống của địa phương, đồng thời tri ân những người đã cống hiến máu xương cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Sau khi hoàn thành, tượng đài sẽ góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng, kinh tế địa phương.

Biểu trưng 3,6 tỷ dính nghi án sao chép được thay thế bằng tượng đài 11 tỷ - 6
Phác họa tượng đài trị giá 11 tỷ sắp được xây dựng tại Đắk Mil

“Đây là công trình vô giá, nên đối với người dân thì công trình này có giá trị lớn, nhưng so với các địa phương khác thì tượng đài của huyện vẫn còn bé, không hoành tráng lắm. Địa phương cũng đã thông báo tới người dân việc xây tượng đài, có người quan tâm thì góp ý, có người không quan tâm thì nói tầm bậy, tầm bạ”, ông Hải nói.

Dương Phong