Ôtô “bất trị” - Nỗi ám ảnh của ngành đường sắt
(Dân trí) - Từ đầu tháng 2 đến nay, tại các khu vực gác chắn ngang qua đường sắt đã xảy ra 5 vụ ôtô lao vào dàn chắn khi tàu đang băng qua, làm 15 người chết (trong đó có hai công nhân gác chắn tàu) và 25 người bị thương.
Những cái chết oan uổng
Lúc 12h36 ngày 24/3/2007, tại chắn Gia Ray (thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Bình Thuận), tàu hàng GS2 đã cán chết một nhân viên ngành đường sắt đang làm nhiệm vụ. Khi đó, tàu GS2 đang đi từ TPHCM ra miền Bắc, thanh chắn đường ngang đã đóng lại, bất ngờ xe khách biển số 86K-0736 từ hướng ngã ba Ông Đồn đột ngột lao tới, đâm thẳng vào chắn.
Đầu máy của đoàn tàu đã đánh bật chiếc ôtô về phía bên phải đường ray. Cửa thông gió của tàu bị đâm nát, khung đầu máy bị móp. Cú tông quá mạnh đã hất anh Nguyễn Đức Tuấn, nhân viên ngành đường sắt lúc đó đang cầm cờ hiệu, bay thẳng vào đoàn tàu. Tàu kéo rê anh Tuấn đi một đoạn hơn 10m.
Trước đó, vào hồi 23h15 ngày 8/2, một vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng khác đã xảy ra giữa ôtô khách 29 chỗ mang biển 49H-9076 và đoàn tàu SE1 chạy tuyến Bắc - Nam; trên tuyến đường sắt đi qua thôn Hoà Diêm, xã Cam Thinh Đông, thị xã Cam Ranh (Khánh Hoà).
Theo CSGT Khánh Hoà thì chiếc xe lao nhanh khi thanh chắn ngang đã hạ xuống. Xe lao thẳng vào barie. Hậu quả: chiếc xe khách bị đoàn tàu kéo đi khoảng 30 m và rơi ngay phía sau đoàn tàu. 13 người trên xe thiệt mạng, 24 người khác bị thương. Hầu hết hành khách đang trên đường về quê ăn Tết.
Cách đây 4 tháng, lúc 6h23 ngày 15/12/2006, tại trạm gác đường chắn xe lửa trên quốc lộ 1A, phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), một lái xe chạy ẩu cũng tông thẳng vào gác chắn đẩy một nhân viên gác chắn vào đoàn tàu đang di chuyển làm anh này chết tại chỗ. Theo hồ sơ vụ án thì chiếc xe tải nhẹ dù thấy thanh chắn tàu đã hạ xuống nhưng vẫn cố len qua hàng chục chiếc xe khác để lao lên, tông thẳng vào công nhân gác chắn.
Chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để
Có lẽ Việt Nam là một trong số ít nơi trên thế giới lái tàu phải chịu nhiều áp lực về vi phạm hành lang an toàn đường sắt và sự thiếu ý thức của người lưu thông trên đường bộ.
Ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban ATGT đường sắt - cho biết: Hầu hết các vụ ôtô lao vào đường chắn gây tai nạn không phải do công nhân gác chắn không thực hiện đúng quy trình khi đóng mở chắn đường ngang mà do sự thiếu ý thức chấp hành luật trật tự ATGT của lái xe ôtô.
“Đa số TNGT xảy ra vào thời điểm tàu đang chuẩn bị chạy qua đường ngang và nhân viên gác chắn đã phát tín hiệu và hạ xong cần chắn. Thế nhưng nhiều lái xe hoặc cố tình vi phạm hoặc do phóng nhanh không làm chủ tốc độ để phương tiện đâm vào dàn chắn. Thậm chí có trường hợp chắn tàu đã hạ nhưng lái xe lại cố tình tháo dàn chắn để xe đi qua, khi nhân viên đường sắt ngăn cản thì họ sẵn sàng hành hung”, ông Tuyên cho biết.
Cũng theo ông Tuyên thì hàng năm ngành đường sắt đều mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức ATGT cho đội ngũ công nhân gác chắn; làm gờ giảm tốc tại các khu vực đường ngang; trang bị cho đội ngũ công nhân gác chắn áo phản quang, đèn hiệu làm nhiệm vụ;… “Tuy nhiên, hiện tượng ôtô đâm vào dàn chắn gia tăng chủ yếu do lái xe ôtô cố tình vi phạm nên chúng tôi vẫn chưa tìm được biện pháp phòng ngừa triệt để”.
Bức xúc trước việc tính mạng của đội ngũ công nhân gác chắn bị đe doạ, ông Tuyến nói: “Chúng tôi mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng lên án mạnh mẽ hành vi thiếu ý thức khi tham gia giao thông, nhất là hiện tượng cố tình gây TNGT tại các chắn đường tàu. Ngoài ra, đề nghị lực lượng công an, VKSND, TAND các cấp kiên quyết đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử nghiêm trước pháp luật để răn đe, trấn áp”.
Phúc Hưng