“Ôsin” tuổi ô mai
Vẻ mặt trông lớn hơn tuổi cùng nét nhọc nhằn, cam chịu dường như trở thành bức chân dung tự họa của những “ôsin” chưa tròn đôi mươi. Để có vài trăm nghìn đồng phụ giúp cho bố mẹ nghèo, các em phải đổi trăm điều đắng cay…
H. năm nay vừa bước sang tuổi 16 nhưng em đã có thâm niên 3 năm quán xuyến công việc nhà cho một gia đình ở quận Tân Bình, TPHCM. Đó không hẳn là quãng thời gian dài cho một con người nhưng đủ để em nhận thấy hết nỗi chua cay khi được ăn cơm người.
Theo lời H. thì ông bà chủ của em vốn kinh doanh tại nhà nên ngày nào em cũng như con thoi không chút thảnh thơi. "Thời khóa biểu" của H. bắt đầu từ 5h chuẩn bị buổi sáng cho hai đứa nhỏ, lau chùi nhà cửa rồi lại đến nấu ăn trưa.
Không những thế, H. luôn phải trong tư thế sẵn sàng chạy lên bán hàng mỗi khi nghe gọi. Thậm chí, nhiều hôm nhìn thấy cơm, H. cũng không muốn ăn bởi "mấy đứa nhỏ quậy phá làm đĩa thức ăn không ra gì". Những lúc ấy em tủi lắm, song "cố nuốt để có sức mà làm", vừa ăn vừa nhớ đến bữa cơm có bố, có mẹ "chỉ ăn rau thôi nhưng ngon và vui lắm".
Rồi cả những uất ức mà H. chịu khi "em làm sao cũng không làm cho bà chủ vừa lòng". Ngày của H. kết thúc lúc 11h đêm sau khi giặt xong chậu quần áo to tướng.
Với bé T. thì có nỗi khổ tâm khác. T. kể, em làm cho chủ được một thời gian dài rồi nhưng họ vẫn không tin tưởng, đến độ "thức ăn nấu xong bà chủ bỏ vào tủ khóa lại, cả bánh kẹo trong tủ lạnh cũng được kiểm tra như thể sợ em ăn vậy".
Suốt ngày T. khó mà yên được bởi em nơm nớp lo bị mắng nếu chủ phát hiện vài cọng tóc vương trên nền nhà. T. còn bộc bạch: "Dẫu biết mình làm thuê song khi nghe từ "người ở" chỉ muốn về nhà thôi".
Chúng tôi không khỏi xót xa trước những câu hỏi đã có sẵn đáp án "có đứa con ông bà chủ cũng bằng tuổi em mà sao chẳng biết làm gì cả, chắc là nó phải lo học" và cả "có đứa nó chẳng chịu ăn thịt, trong khi ở nhà, em của em thích lắm".
Hầu hết những em gái này đều đến từ các vùng quê nghèo khó và nhất là gia đình đông anh em quanh năm trông cậy vào vài ba sào ruộng. Vì vậy, với mức lương từ 700-800 nghìn cho một tháng làm việc là khoản tiền không nhỏ, đỡ phần nhiều gánh nặng cho của bố mẹ. Hơn nữa, "em thường dành tiền lương hai tháng gửi về một lần để mẹ làm được việc lớn.
Ngoài các em làm "chuyên nghiệp", còn có em lên thành phố làm theo mùa vụ ở quê. Đó là tranh thủ lúc gieo mạ xong đi làm vài tháng đến mùa gặt lại về. Cũng có một số em sau vài năm thôi không làm nữa vì "nếu đi ở hoài thì làm sao lấy chồng, với lại về quê thấy mắc cỡ lắm". Thế nhưng, hết em gái này lại đến em gái khác tiếp tục nghề "ôsin" vì tâm lý người thuê cho rằng, các em dễ sai bảo và cũng hạn chế được những điều không hay khi họ phải bận rộn với công việc.
Mặc dù biết rằng ở tuổi này lao động như mô tả là vi phạm Luật Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em (theo Luật Lao động thì trẻ em từ 15 tuổi có quyền được làm việc, song tính chất công việc cũng như thời gian thực hiện công việc đó phải phù hợp theo độ tuổi).
Thế nhưng, theo bà Trương Ngọc Hoa - Trưởng văn phòng Tư vấn gia đình và trẻ em thì "vì miếng cơm manh áo cũng như cuộc sống thực tế buộc những em này phải làm việc phần lớn thông qua sự giới thiệu từ những người quen biết nên chưa thể quản lý và có chế độ chính sách hợp lý được".
Bà Hoa cũng cho biết, trong thời gian tới, Tổ chức UNICEF sẽ phối hợp cùng Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em thực hiện "Mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng" nhằm giúp cho các lao động trẻ em có được những quyền lợi cơ bản nhất, cũng như hạn chế được phần nào sự xâm hại đến lao động trẻ em, đặc biệt là đối với các em nữ
Theo Tố Tâm
Công An Nhân Dân