1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ông Trần Sỹ Thanh "gỡ" vấn đề dân sinh Hà Nội như thế nào?

Thành Trung

(Dân trí) - Sau hơn 5 tháng giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh cùng các cơ quan chức năng đang từng bước giải quyết, tháo gỡ các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn.

Làm sống lại các công viên trong năm 2023

Lĩnh vực đầu tiên có sự chuyển biến là việc đầu tư, khai thác, quản lý các công trình văn hóa, khu vui chơi, công viên để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu hưởng thụ của nhân dân Thủ đô.

Ông Trần Sỹ Thanh gỡ vấn đề dân sinh Hà Nội như thế nào? - 1

Từ ngày 1/1/2023, Hà Nội dừng bán vé vào cổng Công viên Thống Nhất (Ảnh: Hữu Hưng).

Về vấn đề này, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn này, thành phố đặt mục tiêu đầu tư xây dựng mới 6 công viên; cải tạo, chỉnh trang, đầu tư 5 công viên, đồng thời sẽ có 45 công viên, vườn hoa được cải tạo. Đặc biệt, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, trong năm 2023, thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn trên tinh thần người dân sẽ được hưởng lợi "một cách công bằng và tự do", không có chuyện dựng hàng rào, bán vé vào cửa.

Từ ngày 1/1/2023, Hà Nội dừng bán vé vào cổng Công viên Thống Nhất. Ngoài ra, khu đất quy hoạch xây Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông cũng lập tức chấm dứt hợp đồng với 11 chủ đầu tư đang thuê đất để kinh doanh. Quận Hà Đông cũng được giao nhiệm vụ lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng công viên phân kỳ 1 bằng vốn đầu tư công. Như vậy, sau 14 năm nằm bất động trên giấy, dự án này đã được tái khởi động…

Ông Trần Sỹ Thanh gỡ vấn đề dân sinh Hà Nội như thế nào? - 2

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đang từng bước giải quyết, tháo gỡ các vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hợp).

Khích lệ, động viên cán bộ vì lợi ích chung

Theo thống kê mới đây, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 400 dự án với diện tích 6.000ha chậm triển khai. Điều này làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, kéo theo hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng có dự án "đắp chiếu".

Điển hình là câu chuyện hàng trăm phụ huynh ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) phải bốc thăm giành suất vào trường học mầm non công lập do quá tải trường lớp. Trong khi đó, nhiều lô đất quy hoạch trường học được giao cho chủ đầu tư đã hơn 20 năm nhưng để cỏ mọc um tùm, quây tôn kín mít hoặc sử dụng sai mục đích.

Chia sẻ quan điểm xử lý thực trạng đất dự án bỏ hoang, ông Trần Sỹ Thanh cho biết tinh thần chung là UBND TP Hà Nội sẽ làm quyết liệt, có bài bản, trách nhiệm. Chủ tịch Hà Nội thông tin, trong 8 tháng năm 2022, thành phố đã thu hồi 25 dự án với diện tích khoảng 500ha (chiếm khoảng 8-9% tổng diện tích đất của 400 dự án).

Nói rõ thêm về quan điểm xử lý, Chủ tịch Hà Nội cho biết sẽ chia "sang cả 2 phía". Một là, quyết tâm ủng hộ cho nhà đầu tư nếu do điều kiện khách quan mà bị chậm. Quyết tâm ủng hộ để dự án tiếp tục quay trở lại hoạt động, tiếp tục triển khai và đây là trách nhiệm của thành phố.

Hai là sẽ quyết tâm thu hồi dự án "lằng nhằng, không mặn mà" hoặc dự án mà nhà đầu tư có ý "đánh dấu để đấy". "Chúng ta phải quyết tâm thu hồi thậm chí đối mặt, chấp nhận bị kiện cáo ra tòa. Nếu thực sự không làm thì chúng ta thu hồi, không có chuyện chúng ta nhân nhượng mãi được", ông Thanh khẳng định và khích lệ các cán bộ hãy "dũng cảm vì lợi ích chung", không được đá bóng trách nhiệm lòng vòng.

Trở lại việc "bốc thăm giành suất học" ở Hoàng Mai, sau nhiều buổi làm việc giữa Hà Nội với UBND quận và chủ đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đã đồng ý bàn giao lại 4/7 lô đất quy hoạch xây trường để thành phố đầu tư công.

Ông Trần Sỹ Thanh gỡ vấn đề dân sinh Hà Nội như thế nào? - 3

Trong năm 2022, các cơ quan của thành phố đã xử lý được 8 điểm ùn tắc giao thông, nhưng dự báo phát sinh thêm 10 điểm mới; nâng tổng số "điểm đen" ùn tắc trên địa bàn là 35 điểm (Ảnh: Thành Trung).

Trách nhiệm với nhân dân là phải làm tốt hơn, không thể thoái thác

Chỉ trong 5 tháng ngắn ngủi, lại tiếp nhận chức vụ Chủ tịch UBND TP khi Hà Nội liên tiếp trải qua 2 lần biến động về lãnh đạo chủ chốt, ông Trần Sỹ Thành cùng các sở ngành, địa phương không thể ngay lập tức giải quyết hàng loạt vấn đề dân sinh bức xúc đã trở thành "thương hiệu" của thành phố.

Thực tế cho thấy, Hà Nội vẫn còn hàng loạt tồn tại đợi Chủ tịch Trần Sỹ Thanh tháo gỡ. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hà Nội đặt ra yêu cầu "phải tạo cho được chuyển biến căn bản trong giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc", và đã thống kê được 20 vấn đề nổi cộm cần xử lý, trong đó có ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị...

Về tình trạng ùn tắc giao thông, trong năm 2022, các cơ quan của thành phố đã xử lý được 8 điểm ùn tắc giao thông, nhưng dự báo phát sinh thêm 10 điểm mới; nâng tổng số "điểm đen" ùn tắc trên địa bàn là 35 điểm.

Tình trạng mưa ngập "không lối thoát" diễn ra có dấu hiệu ngày càng nặng nề, thậm chí có thể coi việc "cứ mưa to là ngập" cũng đã trở thành "đặc sản" của Hà Nội.

Về rác thải sinh hoạt, Hà Nội phát sinh khoảng hơn 6.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, rác chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, kết hợp đốt tại bãi Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và bãi Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Vì vậy, mỗi khi 2 bãi rác này gặp "sự cố" là tình trạng rác thải ngập ngụa, chất đống trong nội thành lại diễn ra.

Một nguồn ô nhiễm lộ thiên khác ngay sát sườn đối với người dân Thủ đô là mạng lưới "dòng sông chết" gồm: sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ, sông Nhuệ, sông Đáy… Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện nhưng chất lượng xử lý và hiệu quả đem lại đang tỏ ra khá mờ nhạt.

Ông Trần Sỹ Thanh gỡ vấn đề dân sinh Hà Nội như thế nào? - 4

Ngã 3 sông Tô Lịch giao sông Nhuệ tại làng Hữu Bằng, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội) nhìn từ trên cao (Ảnh: Hữu Nghị).

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội cuối năm 2022, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, ngoài các thành tựu đã đạt được thì thành phố vẫn còn những tồn tại, thiếu sót. Tập thể UBND TP cùng các sở ngành sẽ kiểm điểm sâu sắc trước Thường vụ Thành ủy về các hạn chế, thiếu sót của năm 2022.

Gửi lời đến cử tri và nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hà Nội mong nhận được sự chia sẻ vì nguồn nhân lực của thành phố rất hạn chế so với khối lượng công việc. Nhưng với trách nhiệm trước nhân dân, ông Thanh khẳng định vẫn phải làm tốt hơn nữa, không thể thoái thác.

Về nhiệm vụ năm 2023, ông Thanh hướng đến việc chọn ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cấp thiết nhất, người dân bức xúc nhất để tập trung lãnh đạo, thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét.