Chủ tịch Hà Nội: Trách nhiệm với dân phải làm tốt hơn, không thể thoái thác
(Dân trí) - Hà Nội có 10 triệu dân mà số lượng cán bộ công chức không nhiều hơn các địa phương khác. Khối lượng công việc cực nhiều nhưng trách nhiệm với nhân dân ta phải làm tốt hơn, không thể thoái thác.
Trước đó, sáng 9/12, báo cáo bằng hình ảnh của Thường trực HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã chỉ ra nhiều vấn đề về công tác xử lý chất thải và thoát nước trên địa bàn thành phố.
Theo nhận định của Thường trực HĐND TP, dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song thực tiễn vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ.
Hiện có 8 dự án chưa triển khai thực hiện. Cụ thể, dự án Xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực sông Nhuệ; xây dựng thoát nước quận Hà Đông; xây dựng công trình đầu mối cấp 1 quận Long Biên; xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 cho Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Phú Đô; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực quận Hà Đông và thị xã Sơn Tây; xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải An Lạc.
Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố hiện nay, tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 28,8% lượng nước thải cần xử lý, thấp hơn so với mục tiêu phải đạt được đến năm 2020 là 60% theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đặc biệt, tổng số vốn bố trí đầu tư kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 cho 39 dự án xây dựng trạm xử lý nước thải, các công trình thoát nước, thủy lợi tiêu úng là hơn 13.500 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn cấp thành phố. Mặc dù đã được bố trí vốn, nhưng rất nhiều dự án triển khai chậm.
Ngoài ra, một số khu công nghiệp vẫn còn tình trạng doanh nghiệp hoạt động nhưng chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Theo thống kê, thành phố còn 35 dự án đầu tư xây dựng trạm bơm thoát nước chính cho các đô thị thuộc Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội còn chậm được đầu tư xây dựng.
Những tồn tại, hạn chế trên thuộc trách nhiệm các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc đôn đốc triển khai các dự án. Chính vì vậy, thời gian tới, UBND TP cần phải có giải pháp căn cơ khắc phục được những tồn tại hạn chế, tập trung giải quyết khó khăn, có lộ trình rõ ràng trong thực hiện; song song tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm và công khai hành vi vi phạm lĩnh vực môi trường.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, sau khi các đại biểu HĐND TP tiến hành chất vấn xong 3 nhóm vấn đề "dân sinh bức xúc", từ 16h đến 16h50 chiều 9/12, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh thay mặt UBND TP báo cáo, tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP.