Ông Phó chủ tịch quận nói gì về số vàng dưới nền nhà mình?
Sau khi báo chí đưa tin đào được hàng trăm cây vàng dưới nền nhà ông phó chủ tịch quận Tân Bình (TPHCM), ông Huỳnh Văn Chính, chủ sở hữu căn nhà, đã lên tiếng xác nhận sự việc là có thật nhưng "không biết ai là chủ sở hữu của số vàng đó".
Nguồn gốc căn nhà
Ông Huỳnh Văn Chính trình bày: Căn nhà trên (chiều ngang 6,1 m, chiều dài hơn 9 m, tổng diện tích trên 50 m2) ông mua từ năm 1992 của hợp tác xã mua bán huyện Bình Chánh (cũ) với giá 27 triệu đồng, trả tiền nhiều lần và dọn về ở từ năm 1993. Trước đó nữa, chủ cũ của căn nhà là ông Bảy Tiến (chủ garage, nay đã mất).
Sau này, khi đường sá được làm lại cao hơn nên căn nhà thường xuyên bị ngập nước. Một phần nhà hư, một phần do chật chội (nhà 4 người chỉ ở 1 phòng) nên ông Chính xin phép xây dựng lại. Vì nhà ông và nhà kế bên sử dụng chung một vách nên cả hai cùng sửa lại cho tiện. Sau khi có giấy phép, ông Chính đã đập bỏ căn nhà cũ để xây lại thành một trệt, hai lầu, tổng cộng diện tích trên 150 m2, chi phí 380 triệu đồng và đến nay cũng chưa dọn về ở.
Khi xây dựng, ông Chính giao khoán toàn bộ cho Công ty Hoa Đồng, thỉnh thoảng người em vợ của ông qua trông coi công cán, còn ông không xuống nơi xây dựng.
Căn nhà được khởi công xây dựng vào tháng 4/2006, theo thiết kế thì phải ép 6 cọc bê tông nhưng do xe không vào được nên nhà thầu phải mướn 1 máy móc đất nhỏ hơn để đào 6 hố đất. Mỗi hố đất sâu 2 m, vuông vức khoảng 1 m. Và số vàng này được phát hiện ở hố đất cuối cùng.
Ông Chính kể: "Khi máy này móc đất thì căn nhà kế bên cũng đã móc đất lên đổ đà, ép cọc tương tự như vậy. Toàn bộ đất của hai bên móc lên bị đổ văng tứ tung. Hai tuần sau khi móc đất, nhóm công nhân nhà kế bên moi trước thì phát hiện ra vàng lá, nghĩ là vàng giả nên họ xé rồi vứt tùm lum. Vì vậy, tôi cũng không biết vàng nằm trên phần đất nhà bên đó hay nhà tôi.
Khoảng 7 - 8 ngày sau đó, phần đổ vỉ làm móng nhà tôi mới được tiến hành và lúc này các công nhân thi công nhà tôi cũng xé vàng vứt lung tung. Nhưng có một công nhân nghi là vàng thật nên đem đi thử. Khi người ta nói là vàng thiệt thì họ gom lại bỏ vô thau và sau khi ăn trưa xong thì chia nhau rồi bỏ trốn hết...".
Mất dấu tích
Khoảng 5 ngày sau khi xảy ra sự việc công nhân bắt được vàng và bỏ trốn, Giám đốc Công ty Hoa Đồng mới biết và tới Ủy ban quận nói với ông Chính: "Công nhân tui nghỉ mấy ngày nay, nó moi được vàng lá ở chỗ thi công rồi nó chia nhau trốn về hết rồi". Nghe vậy, ông Chính hỏi công nhân đó ngụ ở đâu thì ông giám đốc này nói: "Tụi nó ở đâu ngoài miền Trung, miền Bắc mới vô. Nó sợ lấy lại vàng nên chạy hết rồi".
Ông Chính về nơi tìm thấy bọc vàng và hỏi hai công nhân đang thi công nhà kế bên thì hai anh này trả lời cũng giống như ông giám đốc vừa kể. Nhưng cả hai công nhân này đều không biết số vàng cụ thể là bao nhiêu lượng và tỏ ra tiếc rẻ khi nói rằng: "Tôi cầm xé rồi vứt lung tung, nếu trời cho, tôi biết sớm thì cũng được một mớ rồi".
Ông Chính nghe Giám đốc Công ty Hoa Đồng kể lại là tổng cộng có 17 công nhân, mỗi người chia nhau 2 - 3 miếng vàng. Sau khi tốp thợ này bỏ đi, nhà thầu đã kêu tốp khác đến để thi công tiếp. "Nghĩ rằng không phải vàng của mình nên tôi đã bỏ luôn. Từ đó tới nay cũng đã mấy tháng rồi. Tôi có hỏi mấy người công nhân này thì họ nói một năm đi làm họ chỉ để dành được khoảng 3 triệu đồng. Vì vậy khi được số vàng này họ bỏ trốn về quê là phải" - ông Chính giãi bày.
Theo ông Chính, cả ông và ông Giám đốc Công ty Hoa Đồng cũng chỉ nghe nói, không biết thật giả như thế nào, không biết số lượng bao nhiêu, rồi người trực tiếp quản lý đám thợ là cai thầu cũng đã bỏ chạy nên ông không biết làm gì.
Ông Chính nói tiếp: "Nhà tôi có năm mươi mấy mét vuông thôi, nếu có vàng nhiều cỡ đó làm sao tôi quên được. Thứ hai nữa, tiền sửa nhà ba trăm mấy chục triệu mình đã chuẩn bị rồi thì sao mình không nhớ số vàng đó được nếu mình có. Nếu thực sự có thì sao tôi quên được".
Theo Minh Thuận
Thanh Niên