Ông Phạm Phú Quốc không khai báo có quốc tịch Síp là vi phạm quy định

Thế Kha

(Dân trí) - Ông Phạm Phú Quốc và vợ không khai báo với Sở Tư pháp TPHCM việc có quốc tịch Cộng hòa Síp là vi phạm Điều 21 Nghị định 78/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều Luật Quốc tịch Việt Nam.

Ông Phạm Phú Quốc không khai báo có quốc tịch Síp là vi phạm quy định - 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận. 

Theo nguồn tin riêng của PV Dân trí, sau khi rà soát kỹ lưỡng về sự việc ông Phạm Phú Quốc - Đại biểu Quốc hội, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) có quốc tịch Cộng hòa Síp (Syprus), Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực vừa có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Trả lời báo chí, ông Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch Cộng hòa Síp từ giữa năm 2018 nhưng do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông “mua” quốc tịch như thông tin công bố từ hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar).

Tại Điều 21 Nghị định 78/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam quy định: Kể từ ngày 1/7/2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam.

Trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, nếu ở trong nước phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi người đó cư trú việc có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp địa phương có trách nhiệm ghi vào Sổ quốc tịch khi công dân Việt Nam thông báo có quốc tịch nước ngoài.

“Trường hợp ông Phạm Phú Quốc phải khai báo với Sở Tư pháp TPHCM về việc có quốc tịch Síp trong vòng 2 năm, kể từ khi có quốc tịch Síp. Ông Quốc và vợ không khai báo là vi phạm Điều 21 Nghị định 78 của Chính phủ”- nguồn tin từ Bộ Tư pháp cho hay.

Đến ngày 3/2/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 16 (thay thế Nghị định 78/2009) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch tiếp tục nhấn mạnh tại Điều 5 về việc sử dụng quốc tịch của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Nhưng đến nay, Việt Nam chưa là thành viên của điều ước quốc tế nào liên quan đến việc giải quyết tình trạng hai quốc tịch. Thời điểm ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cộng hoà Síp là năm 2018 nên vẫn áp dụng thực hiện theo quy định tại Nghị định 78/2009 của Chính phủ.

Ông Phạm Phú Quốc không khai báo có quốc tịch Síp là vi phạm quy định - 2

Chương trình "nhập tịch Síp" khá phổ biến tại Việt Nam.

Danh sách đầu tư ra nước ngoài không có tên ông Phạm Phú Quốc

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã yêu cầu ông Phạm Phú Quốc giải trình về sự việc có quốc tịch Síp; sau đó đoàn sẽ trao đổi, báo cáo Thường trực Thành ủy TPHCM và báo cáo cơ quan của Quốc hội để xem xét giải quyết sự việc đúng pháp luật.

“Tinh thần là sẽ có kết luận sớm nhất. Mặt trận tham gia vào quá trình này theo đúng quy định pháp luật”- bà Châu nói.

Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành uỷ TPHCM phân tích, trường hợp có hai quốc tịch, thì ông Phạm Phú Quốc vi phạm quy định khi không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Đến thời điểm này, Ban Tổ chức Thành ủy cũng chưa nhận được báo cáo nào nói về việc cán bộ thuộc quản lý của Thành uỷ TPHCM sở hữu hai quốc tịch.

Trả lời báo chí, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết đối với các công chức nhà nước thì theo quy định pháp luật không cho phép mua nhà ở nước ngoài vì bất cứ mục đích gì. Mọi công chức đều phải kê khai tài sản rõ ràng tại cơ quan mình công tác để quản lý, giám sát thường xuyên.

Ông Hoàng khẳng định, trên hệ thống giám sát về tổ chức, cá nhân được cấp phép đầu tư ra nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài không có tên ông Phạm Phú Quốc.