Kỷ niệm 31 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2006):
Ông “Nhất Thước” - Người lính chiến trên nghị trường
(Dân trí) - Cuộc đời của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là một chuỗi nối dài những trận đánh. Hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, hết mặt trận này đến mặt trận khác, hết kẻ thù này đến kẻ thù khác... Ở bất cứ mặt trận nào, ông cũng là người lính can trường và quả cảm.
Khi Cách mạng Tháng tám bùng nổ, ông tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Từ năm 1946 - 1949, ông hoạt động trong phong trào thanh niên, “đánh nhau” với giặc đói, giặc dốt. Từ giữa năm 1949, ông nhập ngũ và gần 1/2 thế kỉ kể từ đó là kế tiếp những trận đánh không ngừng nghỉ.
Không chỉ với tư cách người lính chiến đấu ngoài mặt trận, khi là Đại biểu Quốc hội (các khoá: VIII, IX, X), ông vẫn tiếp tục “oánh nhau” với tệ quan liêu, tiêu cực và nạn tham ô, nhũng nhiễu của một số cán bộ thoái hóa, biến chất. Trong những ngày nóng bỏng của Đại hội Đảng X, tôi đã đến hầu chuyện cùng ông.
Một trái tim - Ba lò lửa
Ở ông, cái tố chất “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” có lẽ được hình thành bởi ba “lò lửa”. Thứ nhất, ông là người Nghệ An. Cái mảnh đất sông ngắn, núi dài và những dòng sông cứ ồng ộc đổ thẳng tuột ra biển. Cái tính gàn gàn, ngang ngang nhưng cương trực, thẳng thắn, yêu ghét rất rõ ràng, rành mạch là được tạo nên bởi cái địa thế núi non, thời tiết khắc nghiệt nơi khúc ruột miền Trung. Những cơn gió Lào cháy bỏng đã tạo nên khí chất bốc lửa và quyết liệt nơi người xứ Nghệ.
Thứ hai là tròn một thập kỉ gắn bó với chiến trường Tây Nguyên. Tinh thần bất khuất, kiên cường, quả cảm, dũng khí Đam San của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã rèn giũa, hun đúc, bồi bổ thêm cho cái tố chất ương ngạnh xứ Nghệ.
Và “lò lửa” thứ ba, như lời ông, “cái tính mình giời sinh ra thế”. Từ thuở còn trẻ, ông đã nổi tiếng ngỗ ngược và ngang bướng, học thì ít mà đánh lộn thì nhiều, cứ thấy chuyện bất bằng là quyết không tha.
Bây giờ, khi đã ở tuổi tám mươi, sức đã yếu, quyền lực, chức tước không còn như trước nhưng ở ông, nhiệt huyết vẫn vẹn nguyên.
“Cự” nhau với tướng “hổ lửa”
Một đồng đội của ông kể rằng khi còn ở chiến trường, đã có lần ông “cự” lại tướng Vũ Lăng, một vị tướng tài của quân đội ta nhưng tính nóng như lửa. Vào khoảng năm 1963, tại chiến trường Bình Trị Thiên, đơn vị ông được lệnh tiêu diệt một cứ điểm mạnh của địch. Trận đầu, do thiếu thông tin và công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên ta thất bại khá nặng nề. Trận sau, để thật chắc chắn, tướng Vũ Lăng cử ông xuống thực địa để trực tiếp xem xét địa hình, tổ chức trận đánh.
Xong việc, ông vừa về chưa kịp báo cáo thì tướng Vũ Lăng xộc đến, mặt đỏ gay đỏ gắt, hàng râu dựng lên, hai bên ria động đậy liên tục, quát: “Tại sao cậu bỏ về? Cậu sợ chết à? Tôi sẽ cách chức cậu”.
Một không khí yên lặng bao trùm lên tất cả những người có mặt. Ông đứng bật dậy, rành rọt nhả từng tiếng: “Tôi đã làm tất cả những việc anh giao và các đơn vị cũng đã sẵn sàng chiến đấu. Nửa giờ nữa, bộ đội sẽ nổ súng. Tôi cần nói thêm rằng anh là Tư lệnh, tôi là Trưởng ban tác chiến. Nếu anh không dùng, tôi sẽ đi đơn vị khác chiến đấu. Anh nạt ai thì nạt chứ không nạt được tôi đâu”.
Vừa lúc đó, anh em ở dưới đơn vị điện lên xin chỉ thị. Tướng Vũ Lăng cầm điện thoại trao đổi thấy tất cả đều đúng như ông báo cáo. Trận đó, quân ta thắng giòn giã. Buổi tối, ông Lăng tìm đến chỗ ông xin lỗi, rồi lôi bình rượu quốc lủi ra, hai anh em cùng uống. Rượu nửa chừng, ông mới nói: “Anh làm thế là xúc phạm tôi. Tôi chưa bao giờ và không bao giờ là thằng lính đầu hàng, bỏ chạy”. Từ đó, tướng Lăng coi ông thân thiết như anh em.
Không chỉ với đồng đội trong đơn vị mà ngay cả với các vị lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, ông cũng rất thẳng thắn. Một lần làm việc riêng với Đại tướng Đoàn Khuê khi đó là Bộ trưởng bộ Quốc phòng, ông nói: “Tôi biết anh không thích tính tôi nhưng anh phải dùng tôi. Còn tôi cũng vậy. Tôi không thích cá tính của anh nhưng những quyết định của anh thì tôi ủng hộ”. Sau cuộc trao đổi thẳng thắn đó, ông Khuê rất mến ông.
Đề nghị Thủ tướng... từ chức?!
Còn vụ bác đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng) Đỗ Mười từ chức, hư thực thế nào?
Khi đó, ông Mười tham gia đoàn Quốc hội Nghệ An. Trong cuộc thảo luận ở tổ, mình có bảo: “Hôm qua ở hội trường, anh có nói Bộ trưởng mà anh bảo cũng không nghe. Nếu thế thì tôi đề nghị anh nên từ chức. Tôi là Tư lệnh Quân khu 4, tôi ra lệnh mà bất cứ một Sư trưởng nào không nghe thì một là tôi cách chức anh ta và hai là tôi từ chức. Mệnh lệnh là mệnh lệnh, không thực hiện là không xong với tôi”.
Mọi người nhìn tôi e ngại nhưng riêng anh Mười thì cười xoà. Chắc anh biết rõ cái tính thẳng ruột ngựa và có phần bỗ bã của tôi. Mình nghiệm ra rằng đối với cấp trên cũng vậy mà cấp dưới cũng thế, cứ thẳng thắn và thực lòng thì không ai nỡ thù ghét cả.
Bọn tham nhũng là... lũ giặc!
Đã lâu không đến thăm ông, một buổi chiều tôi mò đến, vừa ngồi vào bàn, chưa kịp uống nước, ông đã bức xúc:
Dân tộc ta anh hùng thế, thông minh thế, nhân dân ta cần cù thế mà nước ta vẫn thuộc loại nghèo nàn, lạc hậu hỏi có đau không? Chế độ ta bản chất là tốt đẹp, là công bằng, là văn minh thì hiện nay lại bị xếp vào loại những nước tham nhũng nhất thế giới, tại sao vậy? Tôi không bi quan nhưng kiểu đánh giá “vẫn còn những hạt sạn, con sâu bỏ rầu nồi canh” vừa qua là không chính xác và có phần nguỵ biện. Phải nói thực trạng xã hội ta là vẫn còn nhiều mảng tối trong bức tranh sáng mới chính xác chứ. Đấy, ở vụ PMU18 đâu phải một con sâu? Nó là một đàn nhiều con sâu đấy chứ?
Nếu còn đương chức, nghĩa là còn là Uỷ viên T.Ư Đảng, bác sẽ đề cập đến điều gì?
Không phải còn chức tước tôi mới tham gia đóng góp. Trong kỳ lấy ý kiến vừa rồi, tôi đã viết 15 trang gửi Đại hội nói rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong thắng lợi đó, một bộ phận không nhỏ thoái hoá, biến chất trở thành kẻ thù của nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo là “nội xâm” còn tôi gọi đó là “lũ giặc”.
Trong khi nhân dân đang lao động chắt chiu để đưa đất nước đi lên thì bọn chúng được Đảng, được dân trao cho quyền lực lại phản bội lại chính nhân dân, phản bội lại Đảng, phản bội lại cách mạng. Chúng đã không còn tính người nữa nên phải trừng trị thẳng tay, không thể khoan nhượng với lũ sâu mọt hại nước, hại dân này.
Theo bác, đâu là nguyên nhân chính và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những vụ việc như thế này?
Đó là công tác xây dựng Đảng mà cụ thể là công tác cán bộ. Vụ ông Nguyễn Việt Tiến, nếu không phát hiện kịp thời có thể ông ta sẽ vào trung ương và như thế tức là trao vũ khí cho bọn ăn cướp. Còn trách nhiệm, trước hết là các cơ quan tham mưu cho Bộ chính trị, cho Chính phủ trực tiếp là Ban tổ chức T.Ư và Bộ Nội vụ. Còn Bộ chính trị phải chịu trách nhiệm trước toàn Đảng, toàn dân.
Bác chờ đợi gì ở Đại hội lần này?
Tôi tin rằng tính chiến đấu sẽ rất cao. ở khía cạnh nào đó, vụ PMU18 đã thức tỉnh Đại hội để từ đó, tạo những đột phá, xem như cuộc tổng tấn công vào sào huyệt tham nhũng. Tình hình hiện nay rất bức xúc. Nếu vẫn còn đánh giá kiểu “không đạt yêu cầu” thì rồi sẽ rất khó khăn. Cứ cái kiểu xử lý trên nhẹ, dưới nặng thì nguy lắm. Đáng lẽ cùng một sự việc với tính chất, giá trị tương đương thì chức tước càng to càng phải xử nặng mới đúng chứ. Đằng này...!
Tôi hưởng chế độ cán bộ lão thành Cách mạng, lương Trung tướng và phụ cấp thương tật, mỗi tháng được gần 4 triệu đồng, tổng thu nhập cả năm chưa được 50 triệu. Thế mà nghe nói bọn tham nhũng ở PMU 18 chỉ “bo” cho bồ nhí cũng cả tỉ bạc, bằng 20 năm lương cỡ của tôi. Đấy là so với mọi người, lương tôi cao lắm chứ người dân quê tôi, kiếm nổi 9-10 ngàn đồng/ ngày không phải dễ. |
(Còn tiếp)
Bùi Hoàng Thiên Vân