1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ông Nguyễn Việt Tiến từng cho đổ bùn xuống biển?

Trong quá trình thực hiện dự án cải tạo nâng cấp cảng Hải Phòng, việc thay đổi vị trí đổ bùn đất nạo vét luồng Bạch Đằng, gây lãng phí vốn đầu tư hơn 23 tỉ đồng, là câu chuyện điển hình của việc “ném tiền qua cửa”, có liên quan đến nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến.

Múc bùn sông đổ xuống biển

 

Được biết, trong thiết kế dự án khi nạo vét luồng Bạch Đằng cho tàu ra vào cảng Hải Phòng, lượng bùn đất đào lên sẽ đổ vào vị trí C1, C2 đầm Nhà Mạc - nằm ở huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, với diện tích 317ha. Việc này được đưa vào dự toán thi công với khoản tiền trên 31,5 tỉ đồng và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận.

 

Căn cứ vào kết quả khảo sát và thiết kế thi công nêu trên, trong Quyết định 29/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 9/1/1999, về việc đầu tư dự án cải tạo nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn II, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dự án.

 

Tuy nhiên, tất cả lượng bùn đất nạo vét lòng kênh theo dự toán khoảng hơn 3 triệu mét khối đã không được đổ vào vị trí khu C1, C2 như thiết kế, mà được bơm lên tàu chở ra tận cửa biển Nam Triệu để đổ, làm tăng chi phí đầu tư thêm hơn 23 tỉ đồng.

 

Giải thích việc này, Chủ nhiệm PMU - ông Trương Văn Thái - cho rằng: Tại tỉnh Quảng Ninh không quản lý chặt chẽ khu C1, C2 để dân vào bao chiếm đất làm đầm nuôi trồng thuỷ sản, xây công trình thuỷ lợi... nên không còn mặt bằng bơm bùn đất khi nạo vét lòng kênh. Do đó PMU phải đổ bùn đất ra biển.

 

Vụ việc này đã được UBND tỉnh Quảng Ninh "tiếp sức" bằng công văn 1111/UB ngày 18/5/2005, do Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Hưng ký xác nhận.

 

Nhưng theo Chủ nhiệm PMU Trương Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Việt Tiến đã trực tiếp họp và quyết định thống nhất phương án chở bùn đất nạo vét đổ ra cửa biển Nam Triệu từ ngày 16/5/2005.

 

Những người am hiểu sự việc cho biết: Nếu đổ xuống biển, nước sẽ xoá sạch mọi dấu tích của những việc làm "lem nhem", và đến nay đố ai biết được khối lượng bùn đất đã nạo vét lên từ lòng kênh Bạch Đằng là bao nhiêu (!).

 

Ai gây thất thoát tiền tỉ?

 

Những người có trách nhiệm trong việc quản lý dự án này đều đổ lỗi cho việc lãnh đạo Bộ GTVT quá chậm chạp trong việc thẩm định và phê duyệt cho triển khai thực hiện dự án. Cụ thể, dự án được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định từ ngày 9/1/1999, nhưng đến ngày 22/3/2002, Bộ GTVT mới có quyết định phê duyệt tổng dự toán, nhưng vẫn chưa có báo cáo kết quả thẩm định tổng dự toán công trình.

 

Gói thầu 1 cải tạo luồng tàu vào cảng và mở rộng bến container Chùa Vẽ bị Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư "om" kết quả đấu thầu hết 11 tháng, mặc dù các đề xuất của PMU đều được chấp nhận. Gói thầu số 2 các nhà thầu nộp từ 16/8/2005, PMU trình lên Bộ GTVT ngày 9/9/2005, nhưng mãi đến tận 16/1/2006 gói thầu mới được phê duyệt...

 

Sự chậm trễ đã ảnh hưởng việc giải ngân vốn vay ODA, và nếu quá thời hạn, ngoài việc bị nhà thầu phạt còn có thể bị rút vốn. Phải đến lúc không thể chậm hơn được nữa, Bộ GTVT mới "lệnh" cho tất cả guồng máy của PMU "tăng tốc" tối đa.

 

Và không phải ngẫu nhiên mà ở những thời điểm mang tính tháo gỡ cho hàng loạt việc làm trái nguyên tắc quản lý tài chính như trên, đều có sự xuất hiện đúng lúc của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến.

 

Trả lời câu hỏi của PV về việc có biết việc đền bù sai nguyên tắc cho một số đối tượng ở huyện Cát Hải, khi thực hiện dự án, một vị lãnh đạo trong Ban đền bù giải phóng mặt bằng đã phải thừa nhận: "Nếu không làm như thế sẽ không giải toả được mặt bằng, bị nhà thầu nước ngoài phạt thì mất tiền... vì dự án đã quá chậm rồi" (?!).  

 

Theo Bích Liên - Công Thắng

Lao Động