1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam: Khẳng định vị trí trong lòng dân

Nhân dịp Xuân Ất Mùi, ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết về một năm nỗ lực hoạt động của những người làm công tác Mặt trận, hướng đến mục đích cuối cùng: Mặt trận phải khẳng định được vị trí trong lòng nhân dân, được dân hiểu, trân trọng, từ đó có nhiều đóng góp, thực sự tạo được vị trí chính trị - xã hội trong lòng đất nước.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. 
Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Hoàng Long

Giám sát của nhân dân

PV: Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, năm 2014 được xem là một năm đầy sôi động của công tác Mặt trận với nhiều dấu ấn đáng nhớ như việc tổ chức thành công Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII  và những thành công bước đầu trong công tác giám sát, phản biện. Những dấu ấn này có thể được xem là một trong những thành công nổi bật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong một năm qua, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Hoạt động của Mặt trận gắn liền với hoạt động chung của đất nước, chỉ đạo của Đảng, hoạt động của Chính phủ cũng như tình hình kinh tế, xã hội. Năm 2014, là năm tổ chức thành công Đại hội Mặt trận các cấp, sau đó là Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII. 5 năm mới có một lần nên đây là dịp Mặt trận và cả cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng nhìn lại hoạt động của Mặt trận đã đóng góp như thế nào, còn hạn chế gì, từ đó nhiều việc được rà soát lại, nhất là trong cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Đảng và chính quyền các cấp. Đây là điều rất đáng mừng. Đặc biệt, các địa phương chấp hành nghiêm túc Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, khi lựa chọn Chủ tịch Mặt trận các cấp là cấp uỷ, và so với trước tỉ lệ này tăng thêm. Đồng thời, từ những ý kiến đóng góp, thảo luận của các địa phương, của các đại biểu, Đại hội lần thứ VIII của MTTQ Việt Nam đã hình thành được 5 chương trình hành động cho nhiệm kỳ mới.

Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Mặt trận triển khai chức năng giám sát, phản biện. Lâu nay, giám sát quyền lực, Quốc hội đã làm nhưng Đại biểu Quốc hội chỉ có gần 500 người, đại biểu hội đồng nhân dân có mấy trăm người, trong khi đó nhân dân thì có hàng chục triệu. Làm thế nào để những người còn lại cũng có khả năng giám sát. Người dân có quyền tự do, có quyền sống bình đẳng và có quyền giám sát nhưng phải thông qua tổ chức Mặt trận và 5 đoàn thể chính trị-xã hội. Hiến pháp sửa đổi 2013 đã trao cho Mặt trận quyền được giám sát và chúng tôi căn cứ vào đó để triển khai thực hiện.

Do đó, năm 2014 có ý nghĩa bước đầu là làm rõ cơ chế: giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân, căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân, phối hợp cùng với chính quyền để giám sát. Chính vì thế khi Mặt trận đề xuất giám sát 5 vấn đề nhân dân bức xúc: Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015; Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; Giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; Giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân và Giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở… đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng. Theo đó các bộ ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận.

Để có được những kết quả bước đầu như vậy, người làm Mặt trận đã phải nỗ lực hết mình trong một năm vừa qua. Nhưng việc trước mắt còn nhiều. Những giám sát sẽ làm trong năm 2015, trừ chính sách cho người có công thì giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ có đoàn của Trung ương đi giám sát, sau đó là đoàn của các tỉnh. Về cơ bản, giám sát của Mặt trận sẽ triển khai từ các địa phương chứ không phải từ Trung ương. Trung ương chỉ định hướng, chỉ đạo và tạo cơ chế. Đó cũng là xu hướng giám sát mà Mặt trận sẽ tiến hành thực hiện trong thời gian tới.

Phát huy vai trò các tổ chức thành viên

Với vai trò là liên minh chính trị, là tổ chức rộng rãi của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, theo Chủ tịch, Mặt trận đang có những thuận lợi đồng thời phải vượt qua những rào cản nào để có thể làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước và nhân dân?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Mặt trận hiện có 46 tổ chức thành viên. Trong khi đó, sự quan tâm của Đảng ngày càng cụ thể hơn thể hiện qua Quyết định 217 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218 về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đặc biệt, điều 9- Hiến pháp 2013 đã khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân... Đó là những thuận lợi mà Mặt trận đang có.

Tuy nhiên, còn đó những khó khăn. Hoạt động Mặt trận nếu tìm hiểu thoáng qua thì sẽ hiểu là báo cáo năm nào cũng làm từng đó việc, là các phong trào, các cuộc vận động, làm từ thiện. Vậy làm thế nào để Mặt trận làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân nếu như không đổi mới thực sự nội dung, phương thức hoạt động. Chỉ riêng việc nhân dân suy nghĩ, góp ý gì Mặt trận phải tập hợp một cách có hệ thống, có tổ chức, phản ánh đúng chỗ, kịp thời để tiếp thu, khắc phục...  không phải là việc dễ dàng.

Vì nhân dân có nhiều tầng lớp, do đó công tác Mặt trận là phải lắng nghe nhiều người có chọn lọc để phản ánh kịp thời. Một năm có 2 kỳ  họp Quốc hội, năm nào cũng vậy, mỗi kỳ Mặt trận tập hợp trên dưới 2.000 ý kiến nhưng chỉ được trình bày trong 15 phút trước Quốc hội. Năm vừa rồi, Mặt trận đã thay đổi cách làm. Khi nhận ý kiến chúng tôi đã phân loại ý kiến nào chiếm tỉ lệ cao, có được minh họa bằng số liệu thống kê thì lựa chọn. Và năm qua, Mặt trận chỉ nêu 6 vấn đề được đông đảo bà con cử tri đồng tình. Đặc biệt, sau mỗi lần như thế có từ 6-9 Bộ trưởng đã viết thư phúc đáp ý kiến Mặt trận nêu.

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động đang là nhiệm vụ tiên quyết của công tác Mặt trận, đặc biệt là các cuộc vận động, phong trào. Yêu cầu đổi mới lúc này là hoạt động của Mặt trận phải đi đôi với việc phát huy các tổ chức thành viên. Ví dụ, trong công tác giảm nghèo, không thể một hộ thoát nghèo ai cũng nhận. Mặt trận phải phối hợp với các tổ chức thành viên để mỗi nơi phải nhận một việc cụ thể. Ở một xã còn 50 hộ nghèo thì Hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ...  phải có trách nhiệm đứng ra, chia nhau mỗi nơi đỡ đầu bao nhiêu hộ thoát nghèo. Mặt trận cũng phải có những cam kết hỗ trợ trong việc huy động kinh phí.

Lâu nay, việc học tiếng Việt ở cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói cũng nhiều, chuyện tìm hiểu phong tục tập quán nói cũng nhiều… nhưng quy mô còn quá nhỏ. Do đó, năm 2013-2014 chúng tôi kiến nghị Thủ tướng đồng ý giao cho Mặt trận cùng Bộ Ngoại giao làm đề án chung tay giữ gìn bản sắc văn hoá cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay đề án bắt đầu trình Chính phủ. Có thể nói, nhiệm vụ then chốt của Mặt trận hiện nay chính là tuyên truyền, vận động nhân dân; phản ánh ý kiến nhân dân tới Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện. Tất cả những việc này phải cho làm đạt yêu cầu.

Nhận biết và chỉ rõ những thách thức đặc thù

Thưa Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, lịch sử cho thấy Mặt trận là người đại diện hết sức xứng đáng cho nhân dân, là ngôi nhà chung của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay việc xây dựng khối Đại đoàn kết đang có những thách thức nào?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bước sang năm thứ 85. Nhưng có thể nói, ở ngay thời điểm này, trong đội ngũ những người làm Mặt trận có nhiều người chưa hiểu hết Mặt trận. Chúng tôi đang bàn về sự cần thiết có một cuộc tìm hiểu trong hệ thống Mặt trận để ôn lại lịch sử. Thông qua cuộc tìm hiểu này, người làm Mặt trận sẽ hiểu thêm vai trò Mặt trận qua mỗi thời kỳ như thế nào và mỗi thời kỳ đều phải đối mặt với thách thức ra sao. Có thách thức thì cũng là chuyện bình thường, nhưng phải nhận biết và chỉ rõ được thách thức đặc thù để có giải pháp thực hiện mà vươn lên.

Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta có những thành tựu về kinh tế, xã hội, ai cũng thừa nhận nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Phải nhìn thẳng vào sự thật để mỗi người cùng góp phần khắc phục những khó khăn, yếu kém đó. Trong khi đó, trên một số phương tiện truyền thông không chính thống lại tìm cách phủ định những thành tựu đáng ghi nhận, gây hoang mang cho nhân dân. Chẳng hạn chúng ta nói: năng lực cạnh tranh quốc gia còn yếu kém nhưng có phải yếu kém mãi không? Nếu năng lực cạnh tranh yếu kém làm sao có xuất khẩu từ 50 tỷ lên đến 150 tỷ USD. Người ta không mua hàng của Việt Nam vì yêu người Việt Nam mà vì chất lượng đích thực. Cho nên phải nói đúng.

Xây dựng khối Đại đoàn kết thì trước hết đồng thuận về sự phát triển, phải hiểu đúng tình hình và chia sẻ trách nhiệm. Muốn thế thì phải đổi mới nhận thức, phối hợp vận động.

Đại đoàn kết có những thách thức nhưng tôi tin rằng, với lòng yêu nước của mỗi người, nỗ lực của Mặt trận và sự lãnh đạo của Đảng thì sự nghiệp Đại đoàn kết sẽ được phát huy. Trải qua 70 năm đất nước Việt Nam phát triển từ năm 1945 thì không có lý do gì mà 100 năm nữa lại không phát triển tốt hơn.

Đảo thoát nghèo, ngư dân thoát nghèo thì biển mới vững chắc và bình yên

Thưa Chủ tịch, trong thời gian qua, Mặt trận đã có nhiều cách thức để vận động nhân dân ủng hộ biển đảo. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra hẳn một Chỉ thị về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh vai trò của Mặt trận vận động nhân dân đoàn kết bảo vệ biển đảo. Mặt trận sẽ tiếp tục thể hiện vai trò này như thế nào trong thời gian tới?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Dù muốn hay không, năm 2014 đã xảy ra sự kiện Biển Đông làm cho nhân dân lo lắng và ai ai cũng muốn thể hiện tình cảm yêu nước của mình. Vai trò của Mặt trận lúc này là tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng tình hình, đồng thời khuyến khích tình cảm của đồng bào đối với ngư dân, kiểm ngư, cảnh sát biển và các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ những vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Trong năm qua, Mặt trận đã kêu gọi và vận động hơn 12 tỷ đồng ủng hộ biển đảo. Toàn bộ số tiền này đã được chuyển giao cho các địa phương để phân bổ về các địa chỉ cụ thể. Có thể nói, 12 tỷ đồng này là chưa đủ nhưng qua sự kiện này, chúng ta đã củng cố tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, lòng yêu nước và thể hiện tình cảm cũng như ứng xử hợp lý.

Chỉ thị của Thủ tướng là rất mới và qua thực tiễn gần đây chúng tôi có một số hướng thực hiện. Trước hết, phải xác định biển đảo là thiêng liêng. Biển không yên thì không có hòa bình đất nước nên những người không ở biển đảo phải có trách nhiệm với người ở ngoài biển đảo. Trách nhiệm thì có nhiều cách: thứ nhất, khi có yêu cầu hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu, chúng ta quyên góp hỗ trợ phần vốn đối ứng để bà con đóng tàu ra khơi. Thứ hai, qua khảo sát chúng tôi thấy rằng từ năm 1975 đến giờ phương thức  hoạt động đánh cá của ngư dân căn bản không thay đổi, đó là phương thức hộ cá thể. Mặt trận sẽ bàn bạc kỹ, thống nhất với Chính phủ cần có một cuộc vận động hình thành một tổ hợp tác ngư dân trên biển. Tổ hợp tác này hoạt động theo cách cứ 10 tàu cá thì có 1 tàu dịch vụ thu cá về, đưa nước ra, việc này sẽ giúp những tàu cá còn lại ở được lâu hơn, hiệu quả hơn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế và sức của người đánh cá, việc hình thành tổ hợp tác của ngư dân rất quan trọng. Đây cũng chính là đổi mới quan hệ sản xuất.

Thứ ba là có một số đảo đời sống rất khó khăn. Sắp tới, tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi sẽ bàn bạc việc nên chăng có cuộc vận động từng huyện ở trong đất liền phối hợp với nhau, nơi nào mạnh sẽ giúp từ 1-3 đảo thoát nghèo. Làm sao có được mục tiêu từ nay đến 2020 tất cả đảo của Việt Nam thoát nghèo. Chỉ khi nào đảo thoát nghèo, ngư dân thoát nghèo thì biển mới vững chắc và bình yên lâu dài.

Công tác Mặt trận phải góp phần làm cho người dân hạnh phúc

Chủ tịch từng nói rằng "Hạnh phúc của người dân sẽ phải là thước đo hiệu quả hoạt động của Mặt trận”. Cùng với việc tăng cường giám sát phản biện, MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để thực hiện được điều này?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Trong suốt mấy chục năm công tác tôi luôn suy nghĩ: động lực gì giúp cho chúng ta tồn tại, phải chăng cứ giàu lên cho nhanh? Không phải. Ông cha ta từ mấy nghìn năm trước chỉ đầu trần, chân đất mà vừa chống thiên tai, vừa chống giặc ngoại xâm, gian khổ vô cùng nhưng vẫn vui vẻ, lạc quan vì nếu không lạc quan thì không có chúng ta ngày nay. Bài học của cha ông cho thấy, trong khó khăn chúng ta vẫn có được hạnh phúc. Hạnh phúc chính là sự gặp nhau giữa mong muốn và nỗ lực để đạt được cuộc sống tốt hơn.

Hiện nay, chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng nếu mỗi người biết đặt ra mục tiêu phấn đấu và thấy rằng mục tiêu của mình đạt được và mục tiêu đất nước đạt được thì sẽ thấy hạnh phúc. Hạnh phúc chung trong hạnh phúc riêng. Công tác Mặt trận góp phần làm cho người dân hạnh phúc là một điều rất quan trọng. Bằng cách để người dân tin vào tương lai đất nước, họ thấy tiếng nói của họ được Đảng, Nhà nước lắng nghe. Vấn đề là ở sự đo đếm. Đo đếm thế nào thì Mặt trận chưa có công cụ. Chúng tôi mới bàn với Bộ Nội vụ sẽ triển khai chương trình này bằng cách đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền cơ sở. Đấy sẽ là tiền đề lâu dài có thể xây dựng chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam.

Theo Chủ tịch, khát vọng của người Việt Nam hiện nay là gì?

Chủ tịch NGUYỄN THIỆN NHÂN: Tôi không có thẩm quyền nói về khát vọng của người Việt Nam, vì mỗi người sinh ra, sống ở trên đời đều có khát vọng riêng. Thế hệ chúng tôi là những người sinh ra trong chiến tranh, đã từng vào bộ đội, tham gia quân ngũ vì vậy khát vọng lớn nhất là cùng với nước láng giềng, cùng với nhân loại có một môi trường hòa bình để mỗi người có cuộc sống hạnh phúc và chúng ta sẵn sàng làm tất cả để có điều đó.

Về mặt lý luận, Đảng cũng nói xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì chúng ta hướng đến mục tiêu đó và tiền đề là chúng ta muốn có hòa bình, muốn được tôn trọng, muốn có hợp tác cùng phát triển với tất cả các nước. Nước bé, nước lớn tôn trọng nhau trên cơ sở những bài học lịch sử, trên cơ sở luật pháp quốc tế để cùng làm cho trái đất này, hành tinh này ngày càng nhân đạo hơn, ngày càng hòa bình hơn, ngày càng hữu nghị hơn, ngày càng phát triển hơn và năm 2015 sẽ là một năm thành công của những nước ASEAN hội nhập. ASEAN sẽ trở thành ngôi nhà chung, hợp tác với nhau, dựa vào nhau phát triển làm cho khu vực ổn định, thế giới ổn định, phát triển.

"Người dân có quyền tự do, có quyền sống bình đẳng và có quyền giám sát, nhưng phải thông qua tổ chức Mặt trận và 5 đoàn thể chính trị - xã hội. Hiến pháp đã trao cho Mặt trận quyền được giám sát và Mặt trận căn cứ vào đó để triển khai thực hiện”

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân!

Theo Dạ Yến 

Đại đoàn kết

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm