Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội chưa phát hiện cán bộ được bổ nhiệm “siêu tốc”
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, qua rà soát các cán bộ do thành phố quản lý đến nay chưa phát hiện và cũng chưa nhận được ý kiến phản ánh nào về việc bổ nhiệm “siêu tốc”.
Ngày 18/11, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp HĐND TP. Tại đây, cử tri đề nghị ông Nguyễn Đức Chung làm rõ những vấn đề liên quan đến công tác cán bộ và xử lý tòa nhà 8B Lê Trực, cũng như nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa.
Hà Nội tinh giản 10% biên chế vào 2020
Cử tri Bùi Quốc Khánh (phường Cửa Đông) phản ánh việc thời gian qua có tình trạng 1 số cơ quan, tổ chức đề bạt tràn lan cán bộ, công chức không đúng quy định. Theo ông Khánh vấn đề này là không thể chấp nhận được vì nó cho thấy biểu hiện vụ lợi cá nhân.
Ông Khánh dẫn chứng cụ thể ở một số tỉnh thành có trường hợp bổ nhiệm “siêu tốc” hoặc cán bộ nhiều hơn nhân viên như ở tỉnh Hải Dương đã gây bất bình trong xã hội.
Trước thực trạng trên, cử tri Bùi Quốc Khánh đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nguyễn Đức Chung trả lời rõ có tình trạng bổ nhiệm “siêu tốc” hay không và nếu có thì giải quyết thế nào?
Trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang thực thiện mạnh mẽ Quyết định 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy. Hiện TP Hà Nội đã sắp xếp xong các Ban của Đảng, các hội và MTTQ. Về phía UBND TP cũng đã sắp xếp xong tất cả các sở ban ngành và các quận huyện.
Sau khi sắp xếp xong, TP Hà Nội sẽ xây dựng đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở đề án vị trí việc làm, TP tiếp tục tinh giản bộ máy theo lộ trình đến năm 2020 sẽ giảm 10% số biên chế theo quy định.
“Qua quá trình rà soát cán bộ cấp thành phố và cấp quận huyện quản lý, chúng tôi chưa thấy trường hợp nào và cũng chưa nhân được ý kiến phản ánh trường hợp nào bổ nhiệm siêu tốc”, ông Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng mong muốn cử tri giúp thành phố phát hiện các trường hợp kể trên. Ông Chung cũng khẳng định quy trình bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý được thực hiện rất chặt chẽ, theo quy trình 5 bước, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Hà Nội không nhượng bộ vụ 8B Lê Trực
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Tiến Trụ (phường Hàng Buồm) yêu cầu TP giải quyết dứt điểm nhà 8B Lê Trực. “Cái này mấy năm rồi, dư luận âm ỉ, nhiều dấu hỏi chưa trả lời được. Trước đây nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng từng nói rất gay gắt là “sai đến đâu xử lý đến đó”, nhưng đến nay dư luận nói tại sao ba năm rõ mười như vậy nhưng vẫn chưa giải quyết được?”, ông Trụ nói.
Cử tri Nguyễn Tiếu Trụ cũng nêu ra vấn đề liên quan đến dự án B5 Cầu Diễn. Theo ông, đại diện đầu tư dự án là đại biểu Quốc hội, thời điểm đó người dân đóng vào không sợ mất tiền. Thế nhưng, bất ngờ xảy ra sự việc – bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, khiến nhiều người như ngồi trên đống lửa vì lo mất nhà.
Cử tri phường Hàng Buồm cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát phải kiên quyết, phát hiện xử lý ngay từ ban đầu, không để tình trạng vừa tốn kém tiền bạc, để lại việc mất lòng tin người dân.
Về giải quyết nhà 8B Lê Trực, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, hiện nay đã cắt xong tầng 19. Tuy nhiên, ông Chung cho biết, theo thiết kế từ tầng số 10 là giật, hiện đang chờ thẩm định của các nhà khoa học và Bộ Xây dựng, nếu theo hướng cắt giật sẽ không đảm bảo kết cấu công trình.
“Các bên liên quan đang đề xuất cắt đảm bảo đủ diện tích, sẽ cắt nhà thấp xuống chứ không cắt giật vì nếu làm như vậy sẽ không đảm bảo kết cấu. Hiện chúng tôi chờ thẩm định của Bộ Xây dựng và thành phố sẽ thực hiện tiếp”, ông Chung và khẳng định sẽ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và dứt khoát không nhượng bộ.
Về dự án B5 Cầu Diễn, vừa qua tòa đã xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga, trong phiên tòa có tuyên liên quan đến dự án nhà B5, phải chờ bản án có hiệu lực, khi đó TP sẽ tiếp tục cho triển khai sớm dự án này để đảm bảo quyền lợi của người dân đã đóng tiền vào đây.
Quang Phong