Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu "vô giá" về thủ đô

Cát Cát

(Dân trí) - Dù đã 89 tuổi nhưng ông Nguyễn Tấn Vinh (SN 1932 - Hà Nội) vẫn miệt mài với đam mê nhiếp ảnh của mình.

Duyên nở muộn

Hơn một năm nay, ông Nguyễn Tấn Vinh (SN 1932 - Hà Nội) đã chuyển từ khu tập thể cũ ở quận Hoàn Kiếm về khu chung cư bên quận Cầu Giấy.

Quãng đường từ nhà lên bờ Hồ xa hơn, phương tiện đi lại vất vả hơn nhưng tuần nào ông cũng "điểm danh" ở gốc cây gạo quen thuộc.

Đây là chốn quen thuộc, để ông sống trọn với đam mê và gặp những người bạn trong xóm nhiếp ảnh của mình.

Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu vô giá về thủ đô - 1

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Tấn Vinh chụp ảnh miễn phí cho du khách thăm quan hồ Gươm. Ảnh: Thảo Nguyên Đắc

Ông Vinh là một trong những nhân vật tiêu biểu được Nhà xuất bản Hà Nội vinh danh "36 con người Hà Nội" xuất bản nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trước đây, ông từng công tác trong nhiều lĩnh vực. Khi về hưu, ông dành toàn bộ quỹ thời gian của mình cho nhiếp ảnh.

Cảnh sắc và nhịp sống ở hồ Gươm qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều được nhiếp ảnh gia này lưu giữ một cách chân thực qua ống kính của mình.

Tính đến nay, ông đã sáng tác hàng nghìn tấm ảnh về hồ Gươm. Trong đó nổi bật là các tác phẩm: Ô quan Chưởng về đêm, Lạc vào cõi thiền, Cổ tự lên đèn, Đôi bạn bên hồ, Lộc vừng mùa thay lá…

Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu vô giá về thủ đô - 2

Mỗi bức ảnh của ông Vinh nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như người yêu nghệ thuật. (Ảnh: Nguyễn Tấn Vinh).

Nhiếp ảnh gia 89 tuổi kể, cha ông là cụ Nguyễn Văn Trung - thợ ảnh từng có duyên chụp cho vua Khải Định.

Cụ Trung từng sang Pháp vài năm, rồi về nước, mở hai tiệm ảnh mang tên Gia Thọ photo và Vinh photo ở Nghệ An. Từ đây, tình yêu với nhiếp ảnh được nhen nhóm trong lòng cậu con trai út.

"Chiếc máy ảnh của cha tôi là loại máy chụp bằng kính. Tấm kính được tráng một lớp hóa chất, tương tự như film chụp ảnh sau này", ông Vinh nhớ lại.

Mỗi tấm kính chỉ chụp được 1 tấm hình. Cả thợ ảnh lẫn người chụp phải chuẩn bị nhiều công đoạn, làm sao chụp một lần là được ngay.

"Thời xưa, chụp ảnh có nguyên tắc không được cười. Vì chụp ảnh được coi là việc quan trọng, phải thể hiện sự trang trọng. Ngoài ra, cũng do kỹ thuật chưa tiên tiến, chỉ cần có một cử động nhỏ là bức hình sẽ bị nhòe", ông Vinh giải thích.

"Ngày đó, công nghệ chụp ảnh và in tráng ảnh rất khó, cha tôi học cách tự in tráng bằng kỹ thuật pha chế hóa chất trong phòng tối, trước khi rửa thì phải chấm, sửa ảnh trên kính. Chỉnh sửa ảnh xong mới mang in", ông chia sẻ.

Ngày đó, tiệm ảnh nhà ông Vinh khá đông khách, một phần vì nhan sắc của bà Thọ - chị gái ông. Mười bảy tuổi, bà Thọ được ví là người đẹp thành Vinh. Ngày nào cũng có quan Tây, quan ta kéo đến lấy cớ chụp ảnh để làm quen. Tuy nhiên, bà Thọ đã có người trong lòng nên tìm cách lảng tránh họ.

Vài năm sau, gia đình gặp biến cố, ông Vinh theo mẹ về Hà Nội sinh sống và ước mơ nhiếp ảnh của ông đành gác lại.

Mãi sau này, khi tuổi đã cao, duyên của ông với nghệ thuật nhiếp ảnh mới thực sự nảy nở.

Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu vô giá về thủ đô - 3

Tuổi cao nhưng ông Vinh luôn tự nhận mình là "lính mới" trong xóm nhiếp ảnh. 

Lúc rảnh rỗi ông mang máy ảnh ra chụp thử. Cháu ngoại còn hướng dẫn ông tham gia nhóm online của những người chơi ảnh, để có cơ hội giao lưu và nâng cao tay nghề.

Từ chỗ không biết gì về máy ảnh hiện đại đến những phần mềm chỉnh sửa ảnh, ông có thể sử dụng các công cụ phụ trợ đó một cách chuyên nghiệp.

Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu vô giá về thủ đô - 4

Tác phẩm chụp sen được ông Vinh yêu thích. (Ảnh: Nguyễn Tấn Vinh). 

Bóng hồng phía sau

Mười ba năm "sống" cùng hồ Gươm, ông Vinh sở hữu một gia tài ảnh đồ sộ. Tuy vậy, ông chưa bao giờ tổ chức một buổi triển lãm ảnh cá nhân.

Hàng nghìn bức ảnh được ông đăng tải lên trang facebook, giới thiệu đến mọi người các tác phẩm của mình một cách công khai.

Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu vô giá về thủ đô - 5

Mùa thu hồ Gươm qua ống kính nhiếp ảnh gia 89 tuổi. 

Thay vì triển lãm ảnh ngoài đời thực, ông triển lãm ảnh online. Ai thích bức nào thì lưu về.

Nhiều Việt kiều bên nước ngoài nhớ quê, xin file gốc phóng to treo trong nhà cho thỏa nỗi nhớ, ông cũng nhiệt tình gửi.

Thi thoảng có người còn nhờ ông đến các địa điểm từng gắn với thời thơ ấu, kỷ niệm của họ khi còn ở Việt Nam chụp vài tấm.

Mặc dù ông không quen biết, chưa từng gặp họ ngoài đời nhưng vẫn xách máy đi săn ảnh giúp.

"Tôi nghĩ, một hành động nhỏ của mình mang vạn niềm vui đến với người khác. Tại sao phải từ chối", người đàn ông cao tuổi nói.

Ông cũng chưa bao giờ nhận tiền, cho dù họ sẵn sàng gửi ông một khoản lớn. Với ông, nhiếp ảnh là đam mê, không phải cơm áo.

Tuy nhiên, ông rong ruổi được với tình yêu nghệ thuật như hôm nay, đều nhờ vào sự vun vén của bà xã Phạm Bích Hằng.

Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu vô giá về thủ đô - 6

Một bức hình do ông Vinh chụp.

Mỗi ngày chồng từ gốc gạo trở về, bà sẽ cùng ông lọc ảnh, đưa ra lời nhận xét.

Đến giờ, ông vẫn nhớ như in hành xử cảm động vợ dành cho mình. Năm đó, áo khoác của bà đã sờn cũ. Ông giục bà đi mua chiếc khác nhưng bà liên tục nói không có tiền.

Vậy nhưng, bà lại gom góp mua tặng chồng bộ máy ảnh kỹ thuật số hiện đại.

Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu vô giá về thủ đô - 7

Vợ chồng ông Vinh ngày trẻ. 

"Ngày trẻ bà xã chắt chiu nuôi con, trở thành hậu phương cho chồng công tác. Về già, bà ấy làm điểm tựa cho tôi thăng hoa với nghệ thuật. Vợ không chỉ là bạn đời, còn là tri kỷ suốt đời tôi mang ơn", nhiếp ảnh gia Tấn Vinh tâm sự.

Ông Vinh cho biết thêm, vợ ông là con gái Hà Nội gốc, sinh ra trong gia đình nề nếp, thuộc tầng lớp khá giả.

Ông lão U90 được vinh danh nhờ kho báu vô giá về thủ đô - 8
Khi hai người tìm hiểu, ông nghèo nhưng bố mẹ vợ không hề cấm cản mà còn ủng hộ chuyện tình cảm của con gái.

Hơn nửa thế kỷ cùng nhau nếm trải mọi cay, đắng, ngọt, bùi của cuộc sống, đôi vợ chồng già vẫn ngày ngày viết lên câu chuyện tình đẹp như cổ tích.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm