1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nam Định:

Ông lão gần 50 năm bốc mộ, bó xác hơn 7.000 bộ hài cốt

(Dân trí) - Mới 17 tuổi ông đã đi bốc mộ, bó xác cho người chết, đến nay ông đã có gần 50 năm gắn với cái nghề ít ai dám làm. Trong ngần ấy năm, ông đã khâm liệm cho hơn 7.000 bộ hài cốt, thi thể.

Ông lão “cõi âm” có “thần kinh thép” đó là ông Nguyễn Văn Nậm (sinh năm 1949) ở xóm 6, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đã gần 50 năm nay, ông gắn mình vào cái nghiệp mà ít người dám làm là nghề chuyên đi bó xác, bốc mộ cho người chết. Gần 50 năm gắn với cái nghiệp này, ông đã bó xác, bốc mộ cho hơn 7.000 bộ hài cốt, thi thể của người đã khuất.

Hàng ngày ông Nậm thường đọc thêm các tài liệu về “
Hàng ngày ông Nậm thường đọc thêm các tài liệu về “Thọ mai gia lễ” để biết thêm.

Từ nhỏ, ông Nậm đã được mệnh danh là cậu bé gan lỳ thuộc hàng nhất nhì trong xã. Mỗi khi có đám cải táng bốc mộ, hay có người chết mà đang được bó xác là ông Nậm lại chạy đến để xem. Trong khi đám bạn cùng trang lứa thì sợ hãi chạy mất. Riêng ông Nậm thì như bị thôi miên, chỉ chăm chăm nhìn vào xác người, hay những bộ xương được người ta nhặt nhạnh xếp vào tiểu mà không hề sợ hãi. Cứ như thế, không biết vì cái duyên hay số phận lại đưa ông đến với cái nghiệp mà người đời phải “khiếp vía” như vậy.

Cũng từ đó ông đã lao vào nghiên cứu về cấu tạo tuần hoàn xương người, rồi tìm sách chữ Hán nói về các thủ tục an táng, bó xác… Ông Nậm cho biết:“Thời bấy giờ tôi đi tìm hiểu thông tin rất khó, không dễ như bây giờ. Lúc đó tôi vào bệnh viện xin được cái sơ đồ về cấu tạo tuần hoàn người về nghiên cứu. Khi đã thấu tôi mua thêm mấy cuốn “Thọ mai gia lễ”, Chọn hướng nhà và bố trí nội thất...dạy về các nghi lễ, phong thủy, rồi qua đó tìm hiểu dần dần”.

Ông bắt đầu nghề của mình với những lần đi bốc mộ miễn phí cho các gia đình trong thôn. Những lần đầu ông không hề lấy tiền công mà chỉ ăn với người nhà một bữa cơm. Cứ thế ông làm hết đám này đến đám kia rồi cái nghề nó theo ông lúc nào không hay. Dần dần người ta tìm đến với ông không chỉ ở thôn, xã, rồi ra huyện.

Nhớ lại lần đầu bốc mộ cho một gia đình, mặc dù đã nhìn nhiều, nhưng khi bắt đầu làm ông mới thấy lạnh sống lưng khi tiếp xúc với bộ xương người. Khi nhìn thì dễ nhưng khi ngồi xuống giới cái huyệt một mình mới thấy sợ. Rồi run vì không biết có làm đúng không, có bốc thiếu cái xương nào không. Lần đó khi làm xong mồ hôi ướt đầm hai áo.

Bắt đầu từ đó, ông được mọi người trong vùng biết đến với cái nghể bốc mộ, bó xác. Mỗi khi người ta có việc, dù xa đến đâu người dân trong vùng vẫn tìm đến ông.

Dù bất kỳ giờ nào trong ngày nếu có người gọi là ông lại lên đường. Có hôm 2 giờ sáng ông đã có mặt ở nghĩa địa để bắt đầu công việc vì hôm đó có 2 đám liền kề nhau.

Ông Nậm rùng mình khi nhắc đến những “ca khó” trong nghề: “Đó là những lần gặp phải đám cải táng mà khi mở quan tài ra thì hình hài người chết vẫn còn nguyên vẹn, chỉ hai mắt là đã phân hủy. Nhìn thấy là tôi giật mình, còn người nhà thì vái lạy hoặc bỏ chạy hết. Lúc đó còn trơ lại mỗi mình tôi, nhưng tôi vẫn cố làm phần việc của mình”.

Thông thường công việc bốc mộ ông chỉ mất khoảng 30 đến 40 phút để hoàn thiện. Còn riêng những đám người chết vẫn còn nguyên ông phải mất đến gần 2 giờ để làm. Bởi theo quan niệm của người Việt thì thì kiêng chôn hai lần. Nên ông phải dùng các biện pháp “nghiệp vụ” để lấy hài cốt của người đã khuất.

Việc bốc mộ hầu như chỉ diễn ra vào ban đêm và thường thì diễn vào độ cuối năm, từ tháng 9 đến tháng 12. Còn việc bó xác của ông thì quanh năm, hễ có đám là có mặt ông Nậm “cõi âm”. Trung bình mỗi năm ông làm khoảng 100 đám bốc mộ, còn đám ma thì ông không để ý là bao nhiêu.

 Ông Nậm trong một lần bốc mộ (ảnh do nhân vật cung cấp).
 Ông Nậm trong một lần bốc mộ (ảnh do nhân vật cung cấp).

Không chỉ bốc mộ, bó xác cho người chết thông thường như bệnh tật, già cả, ông Nậm còn đi bó xác cho người gặp tai nạn hay đuối nước, với ông đó là những lần rùng mình. Bởi thi thể của người đã khuất có thể không còn nguyên vẹn hoặc mắt của người đã khuất không nhắm lại được, cứ trừng trừng nhìn ông. Bao nhiêu năm qua ông hành nghề này chỉ có bộ đồ nghề thô sơ gồm chiếc kéo và con dao nhỏ cùng chiếc xe đạp là phương tiên đi lại.

Gần 50 năm hành nghề tiếp xúc với hơn 7.000 hài cốt, thi thể người chết, tuy nhiên chưa một lần ông Nậm dùng đến gang tay hay bất cứ đồ bảo hộ nào trong khi làm việc, dù biết là độc hại.

Giờ đây dù đã 65 tuổi, gần nửa thế kỷ gắn bó với “cõi âm tào”, nhưng ông Nậm vẫn gắn bó với cái nghiệp, ông làm chỉ vì cái tâm của mình chưa dứt được nghề. Ông quan niệm khi còn sức khỏe thì ông còn làm, tới lúc nào không đi được nữa ông mới bỏ nghề.

Đức Văn - Duy Tuyên