1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Ông giáo già và hành trình đi tìm ảnh Bác

(Dân trí) – Hơn 4000 bức ảnh, tư liệu, sách về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên được công bố. Đó là thứ tài sản quý giá mà ông Trần Mỹ Trâm vất vả tìm kiếm gần nữa đời người mới có được.

Ông là Trần Mỹ Trâm ở Khối 5, Nam Sơn, thị Trấn Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) người đã hơn 30 năm đi khắp đất nước để sưu tầm, tìm kiếm những hình ảnh, tư liệu về Bác.

30 năm và 4000 bức ảnh

Ông Trâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông anh em. Ông vốn là một thầy giáo dạy học ở thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh), sau được chuyển về Trung tâm GDTX huyện Can Lộc. Trong sự nghiệp giáo dục, ông luôn muốn truyền đạt những điều hay lẽ phải cho các thế hệ học trò. Trong những tiết học về cuộc đời, sự nghiệp văn chương của Người, ông luôn trăn trở ước sao có thật nhiều hình ảnh về Bác để giới thiệu cho các em học sinh. "Nhưng trong mỗi cuốn sách của chương trình giáo khoa thường có rất ít hình ảnh của Bác" ông Trâm chia sẻ.

Ông giáo già và hành trình đi tìm ảnh Bác
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1919 là một nhà sư hành đạo hoạt động cách mạng tại Xiêm - Thái Lan có tên Thầu Chín - Ảnh chụp từ tư liệu

Xuất phát từ mong ước đó và tình yêu tôn kính với Bác, sau khi thống nhất đất nước 1976, ông đã ấp ủ ước muốn được sưu tầm tất cả những tư liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác. Nhưng do điều kiện mãi đến năm 1980, ông mới bắt đầu đi sưu tầm những bức ảnh đầu tiên.

Ông đi Bắc vào Nam, hễ ai nói ở đâu đang có những hình ảnh về Bác là ông lại lên đường, liên hệ để xin, mua về cho bằng được. Có nhiều người ở xa, sau khi nghe ông kể những câu chuyện và mong muốn được sưu tầm những hình ảnh về Bác, thì về sau có bức ảnh nào về Bác là họ gửi qua bưu điện hoặc gọi điện cho ông để vào lấy. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm và ông đã sưu tầm được hơn 4000 bức ảnh, sách có giá trị về Bác được ông chia thành 5 nội dung lớn: Chân dung Bác qua các năm tháng và loại hình nghệ thuật gồm có ảnh, tượng, ký; Những hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ 1911 đến 1969; Những địa danh, những tư liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác; Gia thế của Bác và Những phần bổ sung. Trong đó có những bức ảnh lần đầu tiên mới công bố như ảnh Bác Hồ ngồi thiền trong núi, Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1919 là một nhà sư hành đạo hoạt động cách mạng ở Xiêm – Thái Lan có tên Thầu Chín…

"Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một niềm vui"

Chia sẻ về hành trình đi sưu tầm những hình ảnh, tư liệu về Bác, ông Trâm tâm đắc "mỗi bức ảnh đều có một ý nghĩa, một câu chuyện riêng, một niềm vui riêng".

"Khi nghe ý định của tôi sẽ đi sưu tầm, tìm kiếm những hình ảnh về Bác Hồ, các con tôi ai cũng ủng hộ và giúp đỡ hết mình. Tuy nhiên, các con rất lo cho sức khỏe cho tôi" - ông tâm sự.

Có những chuyến đi phải mất gần 2 tuần, vào đến tận Sài Gòn, Cà Mau, ra Hà Nội, Cao Bằng mới tìm được những bức ảnh quý.

Bức ảnh Bác Hồ thiền trong núi là một trong những bức ảnh lần đầu tiên được công bố
Bức ảnh "Bác Hồ thiền trong núi" là một trong những bức ảnh lần đầu tiên được công bố

Mỗi chuyến đi đều mang lại cho ông những kỷ niệm sâu sắc, mỗi khi có thêm tấm ảnh mới ông hết sức hồ hởi. Ông kể có lần ra Hà Nội, ông ngồi bên quán xôi vỉa hè, rồi kể những câu chuyện về Bác và công việc mình đang làm cho bà bán xôi. Thế là những hôm sau, hễ có bức ảnh nào, cuốn sách nào nói về Bác là bà lại gọi ông ra Hà Nội lấy hoặc gửi thư bảo đảm cho ông và cũng nhờ những người này mà ông đã có những bức ảnh hết sức quí giá.

Ông Trâm đang hồ hởi giới thiệu về kho tà sản vô giá của mình
Ông Trâm đang hồ hởi giới thiệu về kho tà sản vô giá của mình
Ông Trâm đang hồ hởi giới thiệu về "kho tà sản vô giá" của mình

Không chỉ sưu tầm những bức ảnh, mà ông còn tìm hiểu cả về những câu chuyện liên quan đến những bức ảnh đó. Vừa là để học tập vừa là để truyền dạy lại cho con cháu và các thế hệ sau này. "Mỗi bức ảnh trong mỗi khoảng khắc đều có những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Không chỉ vậy, qua những câu chuyện đó, chúng ta có thể học tập và biết thêm về đức hy sinh một đời cho dân tộc của Bác. Những lúc mệt mỏi, chứng kiến sự xô bồ của xã hội tôi lại vào đem những tập ảnh về Bác ra để xem. Tôi tìm được sự bình yên, bình thản và tràn đầy niềm tin, lạc quan khi nhìn những bức ảnh ấy" ông Trâm tâm sự.

Những điều còn trăn trở

Giờ đây, có rất nhiều đoàn du khách ở các tỉnh bạn đến nhà để xin xem những bức ảnh về Bác mà ông sưu tầm được và muốn được nghe những câu chuyện do chính ông kể. Điều này đã tiếp thêm động lực cho ông Trâm. "Tôi không ngờ lại có nhiều người yêu thích và quan tâm đến vậy. Điều đó, càng làm tôi hào hứng, có thêm động lực để tiếp tục công việc này" - ông Trâm chia sẻ.

Ông Trâm đang hồ hởi giới thiệu về kho tà sản vô giá của mình
Trong một lần sưu tầm được một bức ảnh quí về Bác, "Ông giáo già" đã sáng tác bài thờ "Bác Hồ sống mãi"

Tuy nhiên, ông luôn trăn trở. Số lượng ảnh ngày một dài theo thời gian. Chính vì vậy, việc bảo quản, sắp xếp luôn khiến ông phải suy nghĩ. Ông sợ những bức ảnh, "kho tài sản vô giá" này sẽ bị hư hỏng. Ông Trâm cho biết ông phải đi đến các thư viện sách để học cách bảo quản.

Hiện tại, toàn bộ hơn 4000 bức ảnh, sách về Bác được ông xếp thành các album. Những bức ảnh quí, ông nhờ người đi photo ra thành nhiều bản rồi cất ở nhiều nơi. Ông mong muốn được bảo quản và làm một căn phòng triển làm để được giới thiệu cho tất cả mọi. Nhưng điều đó dường như đang gặp không ít khó khăn khi tuổi ông đã cao.

Tạm biệt "ông giáo già" chúng tôi vẫn không thể quên lời tâm sự từ tận đáy lòng của ông: "Từ giờ cho đến khi rời khỏi thế gian này, tôi vẫn muốn được đưa tất cả những hình ảnh, tư liệu về Bác giới thiệu cho mọi người. Bởi với trong tôi nguồn đam mê Bác, đam mê sưu tầm hình ảnh về Bác không bao giờ vơi cạn".

                                                                                                                                                                                                                    Xuân Sinh – Văn Dũng