1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Ông “Bụt sống” ở Bình Dương

Ông tên là Nguyễn Minh Mẫn nhưng người dân vẫn gọi Ba Mẫn - “Bụt sống”. Họ bảo ông là người thích chuyện bao đồng hơn thích lo cho bản thân mình. Nhiều người còn bảo đầu óc ông “có vấn đề”.

Bởi nhiều năm nay ông “Bụt sống” cứ đổ tiền vào mua đất cất nhà, gom những đồng lương hưu còm và tiền cho thuê nhà của mình để chăm sóc nuôi dưỡng, chạy chữa thuốc men, ăn uống cho hàng chục người già tàn tật, neo đơn...

Bỏ phố về làng

Ông Ba Mẫn là người Bến Cát. Năm 16 tuổi ông đã tham gia cách mạng và không lâu sau ngày nhập ngũ chính thức, ông được đơn vị cho đi học ngành y, nhiệm vụ của ông là cứu người.

Nghe ông kể thì ban đầu ông cũng không thích công việc này cho lắm, bởi lòng căm thù giặc vẫn sôi sục trong ông. Vậy nhưng khi hiểu được “người lính cầm dao kéo” không thua gì cầm súng và việc cứu người còn quan trọng hơn cả trực tiếp chiến đấu nên từ đó ông trở thành người cứu thương được nhiều người kính nể. Các chiến trường Chiến khu D, Bình Phước, Tây Ninh… ở đâu có tiếng súng, là có mặt ông.

Ngày đất nước thống nhất, một Ba Mẫn gan góc, không ngại súng đạn ấy lại đâm ra sợ sự ngu dốt. “Hồi nhỏ tôi học trường làng. Nhưng chừng ấy kiến thức không đủ để trở thành một cán bộ giỏi khi đất nước hòa bình được”- ông nói.

Từ một người làm công tác quân quản ở Sài Gòn - Gia Định, ông đã theo những lớp bổ túc ban đêm để lấy được bằng trung học, rồi đại học.

Cũng nhờ tinh thần học hỏi đó mà ông trở thành người cán bộ có năng lực, nhiều năm công tác ở Sở Công nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TPHCM. Cũng có nhà cửa ở TPHCM nhưng nhiều năm mải mê với công việc, với học hành nên ông cũng quên lãng đi chuyện lập gia đình, và ngoảnh đi ngoảnh lại ông đã trở thành một ông già.

“Sau ngày về hưu ở tuổi 60, tôi có dành dụm được ít tiền, bạn bè ai cũng bảo nên chỉnh sửa lại căn nhà cho hoành tráng; đứa lại nói mua đất làm vườn, nhưng tôi không vợ, không con, những thứ ấy với tôi đều vô nghĩa” - ông Ba Mẫn cho hay - “Những năm kháng chiến, anh em chúng tôi dựa vào dân mà sống”.

Chiến trường Chiến khu D ngày ấy rất ác liệt, nhiều hy sinh mất mát, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, ông muốn làm một việc có ý nghĩa và ông tìm đến vùng đất thời bom rơi lửa đạn mà ông gắn bó ngày xưa để gây dựng một “tổ ấm” nho nhỏ cho người bất hạnh.

Cưu mang những phận người

Hai năm qua trong “Ngôi nhà hạnh phúc” của ông “Bụt sống” đã có 20 người đến chung sống. Ngôi nhà không chỉ tạo cho họ một tổ ấm, một nơi nương tựa, mà còn tạo cho họ một niềm tin, sự lạc quan để vươn lên trong cuộc sống.

 

Hiện tại, từ tiền ăn hằng ngày đến thuốc men bệnh tật ở “Ngôi nhà hạnh phúc”, đều dựa vào nguồn lương hưu hàng tháng và tiền cho thuê căn nhà ở TPHCM của ông Nguyễn Minh Mẫn.

 

Do kinh phí có hạn nên hàng ngày, ông Ba Mẫn kiêm luôn công việc đưa rước người ốm đau, học tập của trẻ con, vệ sinh ăn ở…

Cơ ngơi của ông ở ấp 5, xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương tọa lạc trên 2.000m2 đất giờ đã trở thành một trung tâm từ thiện. Những dãy nhà cấp 4 nằm giữa cánh  đồng, trông bên ngoài có vẻ đơn sơ, nhưng bên trong thì thật đầm ấm.

Hơn 7 giờ sáng, mặt trời mới vừa đủ ấm, các cụ già đã tập trung ở sân để cùng phơi nắng, cùng trò chuyện, cười nói râm ran. Trong một góc nhà hẹp, hai cô gái trẻ đang đạp máy may.  Những chiếc máy may cũ ấy, ông Ba Mẫn đã xin của bạn bè, người thân mang về giúp chị em kiếm thêm thu nhập.

Ai nấy đều tỏ ra hạnh phúc được cùng nhau chung sống dưới “Ngôi nhà hạnh phúc” này. Kể cho tôi nghe về những ngày tháng được ông Ba đỡ đần, cô gái trẻ Hà Thị Tuyết Hồng bùi ngùi:

“Không có ông Ba Mẫn thì giờ này em cũng không biết có giữ được đứa con của mình.Ông ấy còn dựng riêng một căn nhà tạm cho mẹ con em như vậy thì thực sự không gì hạnh phúc bằng”.

Mẹ con Hồng đến đây đã gần được một năm. Hồng quê ở Cần Thơ. Cách đây 3 năm, cô tìm đến Bình Dương để làm công nhân. Không lâu sau đó, Hồng đã phải gánh chịu tai họa. Thề non hẹn biển ngỏ lời yêu thương, nhưng khi phát hiện Hồng mang thai, một anh chàng “họ Sở” đã bỏ “của” chạy lấy người. Ngày sinh con, không có tiền đóng viện phí, bạn bè Hồng tìm đến nhờ ông Ba giúp đỡ.

Từ ngày được ông Ba đem về nuôi gần một năm nay, sức khỏe của bà Nguyễn Thị Bông, ở xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên đã khá lên rất nhiều. 80 tuổi, không nhà cửa, họ hàng, con cháu, bà Bông sống trong một túp lều rách nát trên đất người khác. 

“Nhờ thằng Ba mà tui không còn chịu cảnh nắng mưa, có miếng ăn ngon. Bữa nào ốm đau nó chở lên bệnh viện lo thuốc men. Tất cả người già neo đơn ở đây nó đều chăm lo chu đáo như nhau cả”- bà Bông tâm sự.

Được ông Ba nhận về chăm sóc, với em Nguyễn Thị Chi ở tỉnh Đồng Nai chẳng khác nào là một giấc mơ. Hồi còn nhỏ, sau một cơn bạo bệnh, Chi đã liệt hẳn đôi chân. Mẹ thường xuyên bệnh tật, bố làm nghề lượm bọc ni lông trong khi sức khoẻ vẫn rất yếu, cả nhà Chi sống nhờ trong một toa lét tập thể ở chợ Biên Hòa. Cách đây hai năm, khi khu vực này bị giải tỏa, ông Ba đã tìm đến cưu mang cả gia đình.

Ngoài Chi được đưa về “Ngôi nhà hạnh phúc”, ông còn tạo dựng một căn nhà nhỏ ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai để bố mẹ Chi sinh sống…

Theo Lê Nguyễn, Quang Tám
Tiền Phong