OKRs - Nguyên lý và thực tiễn: Sách hay cho nhà quản trị

P.V

(Dân trí) - Nhìn chữ OKR, người lạc quan, sáng tạo dịch vui "Ô-Kê Rồi"; còn thực tế là thiết lập Objectives (mục tiêu) và Key Results (kết quả then chốt), thực thi hiệu quả, chờ ngày hái quả "OK".

OKRs - Nguyên lý và thực tiễn: Sách hay cho nhà quản trị - 1

"OKRs - Nguyên lý và thực tiễn" là cuốn sách mà những nhà quản lý, hay đơn giản là những người mong muốn phát triển bản thân nên tìm đọc.

Hiện nay, đa số nhà quản lý ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới quan tâm tới KPI (Key Performance Indicator), coi chỉ số này là cơ sở để đánh giá thực hiện công việc, thành tích của các phòng, ban, nhân viên.

Họ dùng KPI nhằm bảo đảm nhân viên thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm trong bảng mô tả công việc theo từng vị trí cụ thể.

Trong khi đó, OKR được định nghĩa là một phương pháp tư duy phản biện và kỷ luật liên tục nhằm bảo đảm nhân viên làm việc cùng nhau, tập trung nỗ lực để thực hiện những đóng góp có thể đo lường giúp thúc đẩy công ty tiến lên.

Phương pháp này manh nha từ hơn 100 năm trước; đến nay được áp dụng ở hàng nghìn công ty lớn như Twitter, LinkedIn, Zynga…, trong khi cộng đồng OKR Việt Nam cũng đang bắt nhịp với thế giới.

Trong "OKRs - Nguyên lý và thực tiễn", hai nhà tư vấn quản lý nổi tiếng Paul R.Niven và Ben Lamorte đã "nội soi" quá trình hình thành, phát triển của OKR, rồi hướng dẫn chi tiết theo kiểu "lý thuyết đi đôi với thực hành", "cầm tay chỉ việc" cách thức triển khai OKR theo trình tự thời gian. Cách viết của hai ông đậm đặc chất "cơ khí chính xác" (chính xác, cụ thể, đi vào trọng tâm), nhưng cũng không thiếu chất "hành vân lưu thủy" - nước chảy mây trôi (uyển chuyển, hình tượng, mang tính minh họa cao).

Tổng quát, "OKRs - Nguyên lý và thực tiễn" đã "mổ xẻ" khoa học quản trị thông qua những nguyên lý, danh ngôn có thể nói là muôn đời đúng, qua những câu chuyện, bài học để người đọc dễ dàng áp dụng, hướng tới đích đến là cơ quan mình, bản thân mình ngày mai "OK" hơn hôm nay.

Cụ thể, cuốn sách đưa ra cả lý thuyết và câu trích, kết quả khảo sát, "thuốc lạ mẹo hay" trong thực tế đời sống để độc giả dễ bề lĩnh hội cũng như vận dụng.

Ví dụ, với yếu tố "Objectives" (mục tiêu), hai tác giả trích lời ông Jeff Walker (cựu CFO hãng Oracle) để dẫn nhập: "Khi đi bộ đường dài cùng gia đình, bạn chỉ cần bước đi và thưởng ngoạn phong cảnh, nhưng khi làm việc, bạn cần hiểu rõ về đích đến. Nếu không, bạn đang lãng phí thời gian của mình và của tất cả những người làm việc".

Các doanh nghiệp phải phác thảo tương lai mà họ mong muốn dưới dạng các mục tiêu - những tuyên bố định tính và đầy khát vọng được thiết kế để đưa tổ chức tiến lên theo một hướng mong muốn.

Sau đó, mỗi mục tiêu được chuyển thành một tập hợp các kết quả then chốt có thể đo lường. Các tác giả cũng kể lại chuyện về ba người thợ xẻ đá trả lời câu hỏi "Bạn đang làm gì" (Tôi đang kiếm sống / Tôi xẻ đá giỏi nhất cả nước / Tôi đang xây một nhà thờ).

Tay nghề đặc biệt là điều đáng được trân trọng và sẽ luôn quan trọng khi thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào, nhưng nó phải liên quan đến mục tiêu chung của doanh nghiệp.

Mục tiêu của cá nhân có vô vàn, mục tiêu của tổ chức cũng có vô số. Để giúp bạn đọc không bối rối, lạc lối trong "ma trận" mục tiêu, sách đưa ra 6 tiêu chí cần nhớ khi xây dựng mục tiêu.

Đó là: truyền cảm hứng, có thể đạt được, có thể thực hiện trong một quý, có thể kiểm soát bởi đội nhóm, cung cấp giá trị cho doanh nghiệp và định tính. Sách cũng liệt kê 7 đặc trưng của những kết quả then chốt hiệu quả và đưa ra 6 gợi ý để tạo ra các kết quả then chốt.

Để giúp độc giả dễ dàng phát triển OKR, hai tác giả đưa ra quy trình với tên viết tắt dễ nhớ - CRAFT (nghĩa là "khéo léo", "kỹ xảo").

CRAFT bao gồm Create - tạo ra, Refine - tinh chỉnh, Align - liên kết, Finalize - hoàn thành và Transmit - chuyển giao. Với C, phác thảo 1-3 kết quả then chốt bao quát cho 1-2 mục tiêu (Mẹo: Làm việc với nhóm nhỏ, "bộ đôi năng động").

Với R, giới thiệu phác thảo OKR cho cả đội, cập nhật OKR trong một buổi luyện tập (Mẹo: Làm việc với nhóm lớn hơn, phát triển cách chấm điểm các kết quả then chốt). Với A, xác định các yếu tố phụ thuộc, cùng nhau xác định các kết quả then chốt (Mẹo: Gặp mặt trực tiếp theo nhóm nhỏ để thảo luận về các yếu tố phụ thuộc với nhóm khác, điều chỉnh OKR phụ thuộc cho phù hợp).

Với F, trình bày OKR với cấp trên để được phê duyệt (Mẹo: Mô tả quá trình liên kết, khớp nối và kết quả trong quá trình xem xét của cấp trên). Với T, truyền đạt OKR và làm chúng trở nên minh bạch (Mẹo: Tải OKR lên vị trí tập trung, truyền đạt OKR tại cuộc họp toàn thể và/hoặc họp nhóm).

Với các mục tiêu (đi kèm các kết quả then chốt), ngoài phân tích bằng con chữ, Paul R.Niven và Ben Lamorte còn đưa ra hình ảnh (giản đồ, bảng biểu) hết sức trực quan, sinh động, cung cấp bức tranh toàn cảnh về OKR cùng các "case study" cụ thể, giúp bạn đọc tiết kiệm thời gian khi tìm hiểu, lựa chọn, áp dụng phương pháp quản trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Nếu hai ông có thêm phần so sánh chi tiết giữa KPI và OKR thì độc giả còn dễ lĩnh hội OKR hơn nữa./.

Nội dung được giới thiệu bởi Công ty cổ phần sách Alpha Books.

Được biết đến là một trong những thương hiệu sách đi đầu về dòng sách quản trị kinh doanh/ phát triển kỹ năng trong ngành xuất bản với các cuốn sách hướng dẫn khởi nghiệp, các bài học, phương pháp và kinh nghiệm quản trị của các chuyên gia, các hãng và tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. Nổi bật với các cuốn sách: HBR Onpoint, Quốc gia khởi nghiệp, Trí tuệ Do Thái, Phi lý trí, Tư duy nhanh và chậm, Tiểu sử Steve Jobs, Thiên nga đen, Chiến lược đại dương xanh, Phù thủy sàn chứng khoán,..

Sau 16 năm hình thành và phát triển, Alpha Books đang từng bước khẳng định tên tuổi của mình, đặc biệt đối với các thế hệ doanh nhân, nhà quản lý và những người trẻ luôn khát khao xây dựng sự nghiệp thành công.